Đề xuất “bước đệm” phát triển điện gió ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK) vừa được Bộ Công Thương trình cấp thẩm quyền đề xuất phương án để Việt Nam đạt mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VIII là có 6.000 MW ĐGNK vào năm 2030, định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 đến 91.500 MW. Dự thảo cho thấy động thái tích cực, mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII.
Suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi rất lớn, thời gian thực hiện tương đối dài. Ảnh: Nguyễn Cường
Suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi rất lớn, thời gian thực hiện tương đối dài. Ảnh: Nguyễn Cường

Cần thiết thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi

Chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng xanh, năng lượng bền vững là xu thế không thể đảo ngược. Chính phủ Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 với việc thúc đẩy phát triển nguồn điện xanh, trong đó có ĐGNK.

Tuy nhiên, Dự thảo Đề án cho biết, thực trạng phát triển ĐGNK ở Việt Nam có hàng loạt khó khăn, thách thức.

Về cơ chế, chính sách, hiện còn vướng mắc trong việc thực hiện quy định pháp luật đối với ĐGNK, từ việc giao khu vực biển, nghiên cứu khảo sát tiềm năng, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện đầu tư, xây dựng.

Chẳng hạn, về cấp chủ trương đầu tư, do Việt Nam chưa có dự án ĐGNK nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư thực hiện nên chưa có kinh nghiệm triển khai thực hiện, chưa rõ thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án ĐGNK.

Về khoa học, công nghệ, Việt Nam chưa có kinh nghiệm về ĐGNK, công nghệ móng nổi. Các vùng biển Việt Nam có thể xuất hiện các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như: lốc xoáy, sóng lớn… đặt ra thách thức trong thi công cũng như quản lý, vận hành dự án. Hơn nữa, các tuabin gió hiện đại có kích thước lớn, nặng và phức tạp, đòi hỏi phải có công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành, bảo dưỡng.

Luật Điện lực hiện hành chưa có quy định dự án ĐGNK phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thực tế chưa có nhà đầu tư nào đề xuất thực hiện dự án ĐGNK theo phương thức này…

Nhiều chuyên gia quốc tế chỉ ra, suất đầu tư cho ĐGNK rất lớn, khoảng 2,5 - 3 tỷ USD/1.000 MW và thời gian thực hiện khoảng 6 - 8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Tuabin gió - thiết bị chính của dự án điện gió - có giá rất cao…

Với thực tế này, Bộ Công Thương cho rằng, việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phát triển ĐGNK là cần thiết. Điều này một mặt tạo cơ sở để hoàn thiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, đồng thời tạo tiền đề để phát triển điện gió, góp phần thực hiện mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII.

­Đề xuất 3 phương án chọn nhà đầu tư thực hiện thí điểm

Theo Dự thảo Đề án, do ĐGNK là lĩnh vực mới ở Việt Nam, liên quan tới quốc phòng, an ninh nên giai đoạn đầu tập trung giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước làm thí điểm, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật. Việc giao nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tư nhân chỉ thực hiện sau khi có đánh giá toàn diện… Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án chọn nhà đầu tư thực hiện.

Phương án 1, giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện do PVN có lợi thế nhất định trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, ĐGNK có một số hạng mục, công trình tương đồng với dự án dầu khí ngoài khơi khi cùng cơ sở dữ liệu địa kỹ thuật, địa vật lý… Phương án 2 là giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bởi đây là tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống điện… Phương án 3 là giao cho đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. “Các phương án sẽ tiếp tục được làm rõ sau khi nhận được ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và các đơn vị liên quan”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng cho rằng, đây là những tín hiệu tích cực từ phía Chính phủ trong việc hiện thực hóa mục tiêu đặt ra tại Quy hoạch điện VIII cũng như thực hiện cam kết quốc tế trong việc đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Nhà đầu tư này cho rằng, mặc dù ĐGNK là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, tuy nhiên, như đề xuất của Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp nhà nước được gợi mở giao thực hiện trong giai đoạn thí điểm đều là những doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong phát triển, quản lý, vận hành hệ thống điện. Vì thế, trong quá trình thực hiện, nếu các doanh nghiệp này cộng thêm sự hợp tác với các nhà thầu/đối tác có năng lực thì khả năng thành công là rất lớn. Sau giai đoạn thí điểm, hoàn thiện quy định pháp luật, các nhà đầu tư tư nhân mong muốn được cùng tham gia phát triển ĐGNK.

Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - thành viên PVN cho biết, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng xanh đang diễn ra mạnh mẽ, PTSC đã có thay đổi, nhanh chóng tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, bước chân vào sân chơi mới cung cấp dịch vụ cho ngành ĐGNK. Tỷ trọng doanh thu từ lĩnh vực này của PTSC đang tăng mạnh... Vì thế, nếu đề xuất tại Dự thảo Đề án được chấp thuận thì cơ hội để PTSC cũng như một số DN khác tham gia phát triển ĐGNK ở Việt Nam là rất lớn.

Tin cùng chuyên mục