Đề xuất đấu thầu quyền mua ô tô tại Hà Nội

Hôm qua 7.3, lãnh đạo TP.Hà Nội và Bộ GTVT đã họp triển khai công tác quản lý về GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2016 - 2020.
Hạn chế phương tiện cá nhân sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh: Ngọc Thắng
Hạn chế phương tiện cá nhân sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, trong năm 2015, Bộ GTVT và TP.Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhiều công trình có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nhiều dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng cũng như vốn, như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hòa Lạc - Hòa Bình, Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2... Ông Trường đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 3,5 và 4. Riêng với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Trường thừa nhận đang gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn, giải ngân cho các nhà thầu phụ. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét cho các doanh nghiệp ứng tiền của mình để thực hiện dự án và nhà nước sẽ trả sau, hoặc nhà nước bố trí các nguồn vốn khác để triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra...

Cấp quota mua ô tô 

Mất bao nhiêu công để làm đường Vành đai 3, mới sử dụng được vài năm đã quá tải, bây giờ tăng tốc độ đường Vành đai 3 lên nhưng không có chỗ mà đi nữa. Chúng ta vẫn bóc ngắn cắn dài. Vấn đề giao thông hiện tại đáng báo động, người dân ra đường thấy khó khăn khi tham gia giao thông, rồi mất an toàn giao thôngÔng Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị UBND TP.Hà Nội khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết thống kê của các tổ chức y tế cho thấy, mỗi năm VN có khoảng 44.000 người chết vì ô nhiễm môi trường, trong đó không ít trường hợp tử vong do bầu không khí ô nhiễm tại Hà Nội. Ông Hùng đề nghị Hà Nội sớm triển khai các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Cùng quan điểm với ông Hùng, ông Trường đề xuất UBND TP.Hà Nội xem xét cấp quota để được mua xe ô tô đi vào TP, đấu thầu quyền được mua ô tô cá nhân tại Hà Nội.

Còn theo ông Nguyễn Phi Thường - Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội, Bộ GTVT nên xem xét cấm các phương tiện trung chuyển hoạt động ở Hà Nội và TP.HCM. Theo lý giải của ông Thường, loại hình trên chỉ phù hợp ở những đô thị chưa phát triển, nhưng ở Hà Nội và TP.HCM các loại xe này đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự ATGT, cũng như việc hoạt động của các doanh nghiệp tải làm ăn chân chính. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết hiện Sở đã làm việc với Viện Chiến lược phát triển giao thông (Bộ GTVT) để đưa ra những phương án hạn chế phương tiện cá nhân cụ thể. Theo dự kiến, trong tháng 3.2016, các đơn vị có liên quan sẽ có văn bản xin ý kiến của UBND TP.Hà Nội; nếu được thông qua, trong tháng 4, UBND TP sẽ có văn bản gửi Thành ủy Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo.

Lo Hà Nội ô nhiễm hơn Bắc Kinh

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá hệ thống hạ tầng giao thông của cả nước và Hà Nội dù phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhu cầu phát triển phương tiện. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý hệ thống giao thông, ý thức người tham gia giao thông... còn hạn chế đã khiến hệ thống giao thông trở nên nặng nề hơn.

Ông Hải yêu cầu trong thời gian tới, các đơn vị làm quy hoạch phải đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc, TNGT trong khu vực nội đô, cụ thể ngay trong năm nay phải hoàn thành quy hoạch các dự án giao thông ngầm. Đối với các dự án giao thông quan trọng, phải có dự phòng một cách phù hợp, tránh tình trạng đường vừa thông xe đã quá tải.

Dẫn ra con số Hà Nội hiện có 5,3 triệu xe máy, 560.000 ô tô, 10.000 xe đạp điện, tốc độ tăng ô tô khoảng 17%/năm, xe máy khoảng 11%/năm, bằng 1,5 - 2 lần tốc độ tăng GDP, theo ông Hải, nếu GDP tăng 7 - 8% đã xem là nóng thì mức tăng trưởng của ô tô, xe máy ở Hà Nội phải gọi là “nước sôi”. Tăng trưởng dân số Hà Nội cũng rất nhanh, bây giờ đã là 7,6 triệu dân và khoảng 3 triệu người vãng lai, đẩy sức ép vào hạ tầng.

“Càng làm chậm thì sức ép lên hạ tầng càng lớn. Mất bao nhiêu công để làm đường Vành đai 3, mới sử dụng được vài năm đã quá tải, bây giờ tăng tốc độ đường Vành đai 3 lên nhưng không có chỗ mà đi nữa. Chúng ta vẫn bóc ngắn cắn dài. Vấn đề giao thông hiện tại đáng báo động, người dân ra đường thấy khó khăn khi tham gia giao thông, rồi mất an toàn giao thông”, ông Hải nói. Đề nghị Hà Nội bắt tay ngay thực hiện các dự án trọng điểm như các trục kết nối vành đai, 3 tuyến tàu điện, ông Hải cũng nhấn mạnh yếu tố quản lý như biện pháp căn cơ. “Các bến xe ở Hà Nội nói là quá tải rồi, nhưng tôi cam đoan nếu quản lý tốt là có thể giảm xuống 30%, hiện nay không ai điều khiển được ai, tranh nhau bắt khách. Tôi xem trên mạng có cảnh quay Bến xe Mỹ Đình hay ở đâu đó lộn xộn nhếch nhác, như thế thì không đầu tư hạ tầng nào cho nổi vì quản lý kém”, ông Hải nhấn mạnh.

Về môi trường, Bí thư Thành ủy yêu cầu đối với ô tô, xe ra khỏi công trường xây dựng phải quản lý thật chặt. “Như Lotte người ta làm bao nhiêu năm không có hạt bụi nào ra khỏi công trường. Nếu không cẩn thận, Hà Nội sẽ ô nhiễm như Bắc Kinh, thậm chí còn ô nhiễm hơn. Phải tăng cường xử phạt, quy hoạch các điểm rửa xe ở đầu vào của cửa ô, bắt buộc các xe chở vật liệu xây dựng phải rửa rồi mới được vào nội đô, các quốc gia khác người ta làm hết rồi”, ông Hải nói. Ngoài ra, theo Bí thư Hà Nội, vận tải khách công cộng phải an toàn, sạch sẽ, thân thiện, nếu đi xe buýt sợ móc túi, bẩn thỉu thì người ta sẽ không lên. Quản lý vỉa hè là các phường, xã, phải quy trách nhiệm cho chủ tịch phường, xã. Ông Hải cũng đề nghị Bộ GTVT phối hợp thực hiện đề án quản lý hệ thống giao thông Hà Nội. Muốn giãn được mật độ dân cư, giao thông phải phát triển được các mạng lưới vành đai, xuyên tâm, phải làm đồng bộ.

Hà Nội cần 430.000 tỉ đồng cho phát triển giao thông

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết nhu cầu vốn cho giao thông Hà Nội rất lớn, đến năm 2020 cần khoảng 430.000 tỉ đồng (tương đương 20 tỉ USD). Tính ra mỗi năm cần khoảng 5 tỉ USD. Do đó ngay từ bây giờ phải có các giải pháp huy động nguồn lực. Ví dụ như khai thác tiềm năng quỹ đất khi triển khai Vành đai 4, Vành đai 5; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu... Thực tế triển khai một số dự án đường sắt nội đô cho thấy các nhà tài trợ nước ngoài “kêu” vướng mắc về thủ tục nên khó giải ngân dù có tiền, phải gỡ vướng về thủ tục cho các dự án đường sắt nội đô để đẩy nhanh tiến độ.