Dự án Xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hợp đồng BOT (giai đoạn 1) có chi phí xây dựng dự kiến gần 1.690 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến là hơn 510 tỷ đồng
UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, Dự án có điểm đầu tại Km0+00 (Quốc lộ 2 - Km127+500) thuộc xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang và điểm cuối tại Km40+200 kết nối với nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Dự án sẽ đi qua địa phận 2 tỉnh Tuyên Quang (dài 11,63 km) và Phú Thọ (dài 28,57 km) với tổng chiều dài 40,2 km. Theo đề xuất, Dự án gồm 2 đoạn: Đoạn 1 có chiều dài 3,2 km đầu tư theo quy mô của Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn từ Km124+500 - Km127+500 với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h; Đoạn 2 có tổng chiều dài 37 km (điểm đầu tại lý trình Km3+200 và điểm cuối tại Km40+200). Đối với Đoạn 2 của Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư đường cao tốc quy mô 2 làn xe, bề rộng 14m với vận tốc thiết kế 80 km/h; giai đoạn 2 đầu tư hoàn chỉnh đường cao tốc với vận tốc 100 km/h và bề rộng là 25m (dự kiến đầu tư sau năm 2025).
Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, sơ bộ tổng mức đầu tư thực hiện Dự án (giai đoạn 1) là 2.717,15 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 1.690 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) hơn 510 tỷ đồng. Tổng diện tích đất sử dụng để xây dựng Dự án là 102,5 ha. Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh Tuyên Quang và của tỉnh Phú Thọ được đề xuất giao làm chủ đầu tư các tiểu dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) có tuyến đường đi qua (kinh phí bồi thường GPMB thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang gần 108 tỷ đồng; kinh phí GPMB thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ hơn 347 tỷ đồng).
UBND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, việc đầu tư dự án trên theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) thì Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội sẽ cùng nhau đạt được mục tiêu hài hòa và hiệu quả kinh tế. Trong đó, Nhà nước không phải cân đối nguồn vốn lớn để đầu tư nhưng vẫn đạt được chiến lược, mục tiêu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc đầu tư tuyến cao tốc trên cũng sẽ giúp 2 địa phương là Tuyên Quang và Phú Thọ nâng cao được khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa 2 tỉnh này với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2.
DN Xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) đề xuất Dự án
UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, đơn vị lập Đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo hợp đồng BOT là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Hiện tại, 2 địa phương Tuyên Quang và Phú Thọ đã có văn bản thống nhất đề nghị đầu tư xây dựng đường cao tốc này. Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng đã cho ý kiến về Đề xuất Dự án Đầu tư xây dựng công trình trên theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Về phương án tài chính cho Dự án, vốn ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 510,79 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư 2.717,15 tỷ đồng) để thực hiện bồi thường GPMB; còn lại 2.206,36 tỷ đồng là vốn của Nhà đầu tư. Việc thanh toán hoàn vốn đầu tư Dự án cho Nhà đầu tư bằng hình thức thu phí với mức thu theo biểu giá quy định của Nhà nước. UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định, trạm thu phí phải đặt trên tuyến đường mở mới (không đặt trên tuyến đi trùng Quốc lộ 2). Doanh thu thu phí để hoàn vốn cho Dự án sẽ được xác định trên cơ sở dự báo lưu lượng xe, thời gian dự kiến thu phí từ năm 2021; thời gian khai thác thu phí hoàn vốn của Nhà đầu tư dự kiến là 21 năm 8 tháng và sẽ được xác định cụ thể trong bước đàm phán, ký kết hợp đồng Dự án. Nhà đầu tư thanh toán toàn bộ chi phí đầu tư, thực hiện đầu tư, duy tu bảo dưỡng công trình, chi phí hoạt động trong suốt thời gian khai thác Dự án.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, có địa chỉ tại số 16 đường Xuân Thành, phường Tân Thành, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.