Đề xuất kéo dài chương trình xây cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ

Bộ Xây dựng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định kéo dài việc thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở khu vực thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020.
Nhà ở tuyến dân cư vượt lũ tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
Nhà ở tuyến dân cư vượt lũ tại huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Kế hoạch này dự kiến bổ sung 132 dự án (gồm 86 cụm tuyến dân cư và 44 bờ bao khu dân cư có sẵn, chủ yếu là các khu vực bị sạt lở nghiêm trọng, ngoài ra còn một số khu vực ngập nông từ 0,8 đến 1,0m) nhằm khắc phục tình trạng ngập sâu khi có lũ lên cao, chống sạt lở, xâm nhập mặn, ngập nông; đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định cho khoảng 44.800 hộ dân.

Vốn dành cho tôn nền cụm, tuyến dân cư do ngân sách trung ương cấp 50% và Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho địa phương vay 50%. Nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trong cụm, tuyến dân cư do ngân sách trung ương cấp 50%; ngân sách địa phương tự huy động 50%. 

Cùng với đó, vốn đắp bờ bao khu dân cư có sẵn do ngân sách trung ương cấp 80% còn ngân sách địa phương tự huy động 20%.

Theo Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở khu vực thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long, vốn cho các hộ dân vay làm nhà ở ngân sách trung ương cân đối 50% bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% số vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tự huy động. Vốn đầu tư xây dựng bãi thu gom rác và công trình kè chống sạt lở các cụm, tuyến dân cư do Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho địa phương vay.

Dự kiến vốn ngân sách trung ương cấp cho Chương trình trong giai đoạn 2016-2020 là 1.790 tỷ đồng; trong đó vốn hỗ trợ trực tiếp là 1.396 tỷ đồng và vốn tín dụng ưu đãi là 394 tỷ đồng. 

Riêng năm 2016, nhu cầu vốn ngân sách trung ương khoảng 358 tỷ đồng, bao gồm cả vốn hỗ trợ là 279 tỷ đồng và vốn tín dụng ưu đãi là 79 tỷ đồng.

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở khu vực thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn I (2001-2008) đã hoàn thành đầu tư xây dựng 804 cụm, tuyến dân cư và bờ bao, đạt 100% kế hoạch; đã bố trí cho khoảng 140.000 hộ nghèo khu vực ngập lũ vào ở an toàn, ổn định, tương ứng 94,7% kế hoạch.

Giai đoạn hai của Chương trình thực hiện từ năm 2008-2015 đã hoàn thành đầu tư xây dựng 178/179 cụm, tuyến dân cư và bờ bao đạt 99,4% kế hoạch với khoảng 52.220 hộ nghèo khu vực ngập lũ vào ở an toàn, ổn định, đạt 93,4% kế hoạch.

Tuy nhiên, khi kết thúc giai đoạn hai của Chương trình, nhiều địa phương trong vùng báo cáo đã xuất hiện thêm nhiều khu vực sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Bởi vậy, việc tiếp tục thực hiện Chương trình trong giai đoạn năm 2016-2020 là cần thiết./.