Nghị định 28/2021/NĐ-CP hướng dẫn nguyên tắc xây dựng phương án tài chính ban đầu, chưa quy định nguyên tắc điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án Ảnh: Lê Tiên |
Gọi tên vướng mắc
Là một trong những nhà đầu tư tham gia vào dự án BOT sớm và có nhiều dự án lớn đã hoàn thành, đại diện Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ nhiều vướng mắc thực tiễn với mong muốn sẽ được sửa đổi trong thời gian tới đây.
Theo ông Đặng Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty BOT Cam Lâm - Vĩnh Hảo - doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Đèo Cả, quy định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP dưới 50% là trở ngại lớn đối với nhà đầu tư khi nghiên cứu các dự án có tính đặc thù, chẳng hạn có chi phí giải phóng mặt bằng rất cao qua đô thị, dự án liên kết vùng có chi phí xây dựng lớn nhưng lưu lượng ban đầu chưa cao... Nếu vốn Nhà nước tham gia dưới 50% thì thời gian hoàn vốn rất dài, có dự án trên 30 năm, giảm tính hấp dẫn nhà đầu tư, khó huy động vốn. Ông Thắng kiến nghị, quy định tới đây không nên khống chế chặt tỷ lệ vốn Nhà nước để tăng khả năng huy động vốn tư nhân vào các dự án PPP.
Về phương án tài chính, ông Đặng Tiến Thắng cho biết, hiện nay theo Luật PPP, Nghị định 28/2021/NĐ-CP hướng dẫn nguyên tắc xây dựng phương án tài chính ban đầu, chưa quy định nguyên tắc điều chỉnh trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án PPP. Trong khi dự án PPP theo hợp đồng BOT thời gian dài, thông số đầu vào có thể thay đổi so với phương án tài chính ban đầu, dẫn đến phải điều chỉnh, nhưng lại chưa có quy định. Nhà đầu tư kiến nghị bổ sung quy định về điều chỉnh phương án tài chính vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 28/NĐ-CP để đảm bảo hài hòa lợi ích theo tinh thần Luật PPP.
Về cơ chế chia sẻ doanh thu quy định tại Điều 82 Luật PPP, ông Đặng Tiến Thắng cho rằng, các nhà đầu tư khi tham gia dự án PPP đều không mong muốn phải thực hiện Điều này, tuy nhiên, đây là việc cần thiết để xử lý khi có những rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh. Để cơ chế này khả thi, cần xem xét xác định rõ hơn về nguồn vốn nhà nước dùng để chia sẻ khi doanh thu giảm. Đồng thời, việc thực hiện điều chỉnh các sản phẩm dịch vụ để chia sẻ doanh thu có thể dẫn đến thời gian hợp đồng kéo dài, phải điều chỉnh lịch trả nợ, cơ cấu nợ, nhà đầu tư và ngân hàng bị ảnh hưởng. Theo đó, Đèo Cả kiến nghị bổ sung vào Nghị định tới đây quy định giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp dự án khi điều chỉnh thời hạn hợp đồng, giá phí trong trường hợp thực hiện theo Điều 82 Luật PPP.
Nhiều vấn đề khác như phân bổ chi phí lãi vay với doanh nghiệp dự án BOT; trách nhiệm của Nhà nước và cách ứng xử trong trường hợp không thực hiện điều chỉnh giá, phí theo hợp đồng; tạm ứng cho dự án PPP; quy định về dự án đi qua nhiều địa phương… cũng được Đèo Cả đề xuất sửa đổi để tạo thuận lợi cho dự án PPP.
Quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP dưới 50% là trở ngại lớn đối với nhà đầu tư khi nghiên cứu các dự án có tính đặc thù Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Cân nhắc định hướng tháo gỡ
Những vướng mắc Tập đoàn Đèo Cả nêu lên cũng là vướng mắc của nhiều nhà đầu tư, địa phương đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính tổng hợp và đang trong quá trình nghiên cứu phương án tháo gỡ. Cụ thể, về Nghị định 35/2021/NĐ-CP, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, Cục đã tổng hợp nhiều vướng mắc từ thực tiễn triển khai liên quan quy mô tổng mức đầu tư; trình tự, thủ tục chuyển giao tài sản công trình; trình tự thực hiện tiểu dự án trong dự án PPP; việc áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M); về dự án trên địa bàn 2 tỉnh; xử lý chuyển tiếp dự án PPP được triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực thi hành và một số nội dung khác.
Đèo Cả kiến nghị bổ sung vào Nghị định tới đây quy định giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp dự án khi điều chỉnh thời hạn hợp đồng, giá phí trong trường hợp thực hiện theo Điều 82 Luật PPP.
Đơn cử, với vấn đề mà nhà đầu tư rất quan tâm là tỷ lệ thanh toán vốn nhà nước trong dự án PPP được quản lý theo phương thức tiểu dự án, quy định hiện hành trường hợp dự án PPP hình thành tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 70 của Luật PPP, cơ quan ký kết hợp đồng thanh toán tối đa 50% giá trị dự toán của tiểu dự án khi doanh nghiệp dự án hoàn thành công trình thuộc tiểu dự án, thanh toán giá trị còn lại khi doanh nghiệp dự án được xác nhận hoàn thành công trình. Từ thực tiễn triển khai, nhiều ý kiến phản ánh quy định hạn chế tỷ lệ thanh toán vốn nhà nước như trên là không cần thiết, ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư, không phát huy tính chất hỗ trợ của vốn nhà nước, dẫn đến không hấp dẫn nhà đầu tư. Để gỡ vướng, Bộ KH&ĐT định hướng phương án 1 sẽ giữ nguyên quy định hiện hành; phương án 2 sửa đổi theo hướng vốn Nhà nước tham gia trong dự án được thanh toán, giải ngân theo tiến độ, tỷ lệ tương ứng với phần vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng do nhà đầu tư huy động.
Về phía Bộ Tài chính, ông Bùi Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, Bộ Tài chính đã tổng hợp nhiều kiến nghị của bộ, ngành địa, phương, nhà đầu tư. Theo đó, vướng mắc về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP có liên quan đến quy định tại Luật PPP và Nghị định 28/NĐ-CP. Một trong những vướng mắc được quan tâm nhất là cơ chế chia sẻ giảm doanh thu, làm thế nào để khả thi khi thực hiện, để cơ chế này thực sự hấp dẫn.
Cụ thể, về điều kiện thực hiện điều chỉnh giá, phí sản phẩm dịch vụ khi áp dụng chia sẻ phần giảm doanh thu, ý kiến từ các bên cho rằng, quy định điều kiện phải điều chỉnh giá, phí sản phẩm dịch vụ công tại Điều 82 Luật PPP trước khi áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu là không phù hợp. Lý do là sẽ phá vỡ cam kết về khung giá, phí đã được quy định tại hợp đồng PPP; giảm ý nghĩa của việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhất là khi sử dụng giá, phí dịch vụ làm tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Thay đổi cấu trúc của phương án tài chính dẫn đến khó thu hút nhà đầu tư và bên cho vay tham gia dự án, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các dự án tương tự khác. Một số ý kiến đề nghị sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 82 Luật PPP theo hướng chỉ điều chỉnh thời hạn hợp đồng.
Về sử dụng dự phòng Ngân sách Nhà nước (NSNN) để thanh toán cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, vướng mắc thực tế là nguồn này được sử dụng cho các nhiệm vụ cấp bách, chưa được dự toán để kịp thời đáp ứng nhu cầu chi trong các trường hợp quan trọng, khẩn cấp. Nhiều ý kiến kiến nghị sửa đổi Điều 82 Luật PPP theo hướng sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm để thanh toán cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu; dự án do bộ, ngành, cơ quan khác là cơ quan có thẩm quyền sẽ sử dụng vốn đầu tư công trung ương; dự án do UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền sử dụng nguồn vốn đầu tư công địa phương.
Quy định Kiểm toán Nhà nước kiểm toán doanh thu để làm cơ sở thực hiện chia sẻ doanh thu giảm có thể dẫn đến sự chậm trễ do cơ quan này thực hiện kiểm toán theo kế hoạch năm. Một số ý kiến kiến nghị sửa đổi khoản 3 Điều 82 Luật PPP theo hướng các bên thỏa thuận lựa chọn cơ quan kiểm toán (kiểm toán độc lập hoặc Kiểm toán Nhà nước).
Về Nghị định 28/NĐ-CP, Bộ Tài chính ghi nhận các vướng mắc liên quan đến xác định giá trị tài sản công trong phần vốn Nhà nước tham gia dự án; vướng mắc về căn cứ tham khảo lãi suất vốn vay; quy định các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của phương án tài chính cho từng lĩnh vực cụ thể…
Liên quan đến đề xuất sửa đổi Nghị định 35/NĐ-CP và Nghị định 28/NĐ-CP, ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, theo các nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì việc sửa đổi sẽ phải làm sớm, đặc biệt các nội dung liên quan đến xử lý vướng mắc, bất cập dự án BT ký hợp đồng trước Luật PPP có hiệu lực. Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính sẽ cố gắng tối đa, làm sao có phương án đề xuất với Chính phủ, trước mắt xử lý các dự án BT chuyển tiếp nói riêng và tổng thể các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Luật PPP nói chung.