Hiệp hội Thép kiến nghị Bộ Tài chính chưa áp dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ nào đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 Ảnh: Lê Tiên |
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhấn mạnh quan điểm này trước dự kiến tăng thuế nhập khẩu đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ 0% lên 5% của Bộ Tài chính.
Không đạt mục tiêu mà còn gây tác dụng ngược
Ngày 31/7/2019, Bộ Tài chính có công văn gửi Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) xin ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP. Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Việt Nam nhập khẩu hơn 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm, 40% trong số đó là từ Trung Quốc. Nếu không có thuế nhập khẩu đánh vào mặt hàng này, thép cuộn giá rẻ từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tràn vào gây bất ổn thị trường thép Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ 0% lên 5%.
Sau khi nghiên cứu và tổng hợp kiến nghị từ các DN thành viên, VSA cho rằng, biện pháp tăng thuế này chẳng những không hạn chế được thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam mà còn tạo cơ hội để lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng.
Theo VSA, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) nên thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ Trung Quốc vào Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% theo hiệp định này. Do đó, nếu tăng thuế suất MFN từ 0% lên 5% thì thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 của Trung Quốc sẽ vẫn được nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất 0%.
“Nếu theo đề xuất tăng thuế MFN của Bộ Tài chính, lượng thép cuộn cán nóng nhập từ Ấn Độ, Đài Loan… sẽ phải chịu mức thuế suất MFN là 5% thay vì 0% như hiện nay do Việt Nam chưa có FTA với những thị trường này, hoặc đã ký FTA nhưng không cam kết nhập khẩu ưu đãi dẫn đến không cạnh tranh được với thép Trung Quốc. Khi đó, lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ chiếm tỷ trọng ít nhất từ 70 - 80% tổng lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu vào Việt Nam”, VSA phân tích.
Không những thế, tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 còn gây thêm khó khăn cho các DN sản xuất thép cán nguội, tôn mạ và ống thép trong bối cảnh sản xuất ngày càng khó khăn. Đầu tiên là hạn chế nguồn cung nhập khẩu trong khi sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu.
Hai là, giảm năng lực cạnh tranh của ngành sản xuất thép trong nước, vì tăng thuế suất MFN có tác động lên chi phí nhập khẩu nguyên liệu của DN, làm tăng giá thành sản phẩm.
Ba là, hiện nay, giá thép cuộn cán nóng nhóm này sản xuất ở thị trường nội địa cao hơn giá nhập khẩu, việc tăng thuế dẫn đến tăng giá nguyên liệu tại Việt Nam, DN sản xuất tôn mạ trong nước không thể xuất khẩu được, ở trong nước cũng khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Bốn là, chính sách thuế không còn hỗ trợ ngành sản xuất tôn mạ trong nước.
Kiến nghị không điều chỉnh tăng thuế
Phân tích thị trường trong nước, VSA cho rằng, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng mới đáp ứng dưới 30% nhu cầu. “Dung lượng thị trường trong nước còn rất lớn để tiêu thụ lượng thép cán nóng nội địa sản xuất được. Thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 sản xuất nội địa đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam, do đó tiềm năng thị trường xuất khẩu là rất lớn đối với các DN sản xuất thép cuộn cán nóng nội địa.
Vì vậy, VSA lên tiếng: “Chưa cần thiết phải tăng thuế MFN để hỗ trợ”. Mặt khác, theo VSA, thông thường việc tăng thuế suất MFN đối với một loại sản phẩm cần đảm bảo 2 yêu cầu chính. Đó là trong nước đã sản xuất được loại sản phẩm đó, năng lực sản xuất trong nước đã đáp ứng được nhu cầu đối với sản phẩm đó. Tuy nhiên, thép cuộn cán nóng nhóm này không đảm bảo cả hai yêu cầu trên, do hiện Việt Nam mới chỉ sản xuất được một vài mặt hàng thép cuộn cán nóng trong nhóm 72.08.
Xét trên lợi ích tổng thể của ngành thép Việt Nam, các DN thép kiến nghị Bộ Tài chính “không điều chỉnh tăng thuế suất MFN đối với thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 từ 0% lên 5%. Đồng thời, chưa áp dụng bất kỳ biện pháp phòng vệ nào đối với mặt hàng thép cuộn cán nóng nhóm 72.08 để bảo đảm sự phát triển, môi trường cạnh tranh lành mạnh của ngành thép Việt Nam”.