Dệt may, vận tải biển... sẽ phải áp dụng cơ chế CBAM của EU

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đây là chia sẻ của ông Stuart Livesey, Đồng Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh, Thành viên HĐQT Eurocham tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và UNDP tổ chức sáng 1/11.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) - công cụ của EU để giải quyết vấn đề phát thải carbon - có hiệu lực từ ngày 1/10/2023, bắt đầu với giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối năm 2025. Nghĩa vụ đóng thuế carbon theo cơ chế này sau đó sẽ được áp dụng từ năm 2026. Hiện 5 lĩnh vực tại Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu vào EU gồm: xi măng, phân bón, điện, Hydrogen và kim loại (sắt, thép, nhôm) đã phải thực hiện cơ chế này. Sắp tới, CBAM cũng sẽ áp dụng cho vận tải biển.

“Nếu như năm 2024 là thời gian để tìm hiểu CBAM và các báo cáo, thì sang năm 2025, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thực hiện báo cáo lượng khí thải nhà kính có trong hàng nhập khẩu. Chế độ chính thức sẽ được áp dụng từ năm 2026, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU sẽ bị tính thuế carbon, nếu không báo cáo phù hợp sẽ bị phạt tài chính. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm sự hỗ trợ kiến thức và khuyến nghị chính sách từ Ủy ban Tăng trưởng xanh của EuroCham”, ông Stuart Livesey cho biết.

Theo ông Stuart Livesey, trong tương lai, CBAM có thể áp dụng cho nhiều sản phẩm hơn nữa như dệt may, vận tải đường bộ, xây dựng...

Không chỉ có thị trường EU, những thị trường khác như Mỹ, Anh… cũng đang biến chuyển đổi xanh thành cuộc đua toàn cầu.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, bên cạnh CBAM, EU thì còn có Quy định Chống phá rừng (EUDR) ảnh hưởng rất nhiều đến ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam như gỗ, cao su, cà phê. Trong khi đó, một số quốc gia như Mỹ có Dự thảo Đạo luật Cạnh tranh sạch (CCA), Dự thảo Đạo luật Phí ô nhiễm nước ngoài (FPF) hay Dự thảo Đạo luật Lựa chọn thị trường (MCA). Những dự thảo này nếu được thông qua thì rất nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị tác động hơn cả CBAM.

“Với các đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, cho đến giờ chưa có "dòng chảy" về mặt chính sách tương tự như EU hay Mỹ nhưng lại có "cuộc chơi" mua sắm xanh, khuyến khích sáng kiến chuyển đổi xanh. Nếu chúng ta không tham gia được vào các "dòng chảy" đó thì lợi thế doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm đi khi đặt vấn đề làm đối tác của Nhật Bản, Hàn Quốc”, bà Thủy chia sẻ.

Thách thức về chuyển đổi xanh là rất lớn, nhưng theo khảo sát của Ban IV, có tới 64% doanh nghiệp cho biết chưa chuẩn bị cho sự chuyển đổi; 16,2% doanh nghiệp đã xác định lĩnh vực ưu tiên/trọng tâm giảm phát thải hoặc khu vực có thể giảm lượng khí thải; 6,9% doanh nghiệp đã xác định và công bố các mục tiêu giảm phát thải hoặc khu vực có thể giảm lượng khí thải.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, một trong các khách hàng lớn của May 10 là Tập đoàn bán lẻ thời trang H&M của Thụy Điển đã yêu cầu từ năm 2025, các sản phẩm bán cho họ phải có ít nhất 30% nguyên liệu vải từ sợi tái chế. Hay Đại sứ quán Đức yêu cầu tra soát chuỗi cung ứng, trách nhiệm mở rộng đối với người sản xuất. Đây là những khái niệm rất mới, nhưng là tiêu chuẩn bắt buộc và xu thế trong tương lai. Nếu muốn phát triển thì không thể nằm ngoài xu thế được.

Tin cùng chuyên mục