“Điểm cộng” quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu là 1 trong 5 nhóm định hướng chính sách xuyên suốt quá trình soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Định hướng chính sách này được đánh giá là một “điểm cộng”, sẽ góp sức đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, gỡ vướng và nâng cao hiệu quả triển khai các dự án đầu tư trong thời gian tới.
Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã giảm một số khâu trung gian không cần thiết nhằm cải thiện tiến độ các gói thầu, dự án. Ảnh: Tiên Giang
Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã giảm một số khâu trung gian không cần thiết nhằm cải thiện tiến độ các gói thầu, dự án. Ảnh: Tiên Giang

Nhóm chính sách đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm thời gian, chi phí trong hoạt động đấu thầu được xây dựng hướng đến chủ thể trung tâm là các chủ đầu tư, nhà thầu khi thực hiện dự án. Đại diện Ban soạn thảo cho biết, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã đồng bộ hóa thủ tục đầu tư theo pháp luật về đầu tư với thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật về đấu thầu.

Cụ thể, nhằm cải thiện tiến độ các gói thầu, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã giảm một số khâu trung gian không cần thiết. Về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, theo quy định cũ, người có thẩm quyền căn cứ báo cáo thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bằng văn bản để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu sau khi dự án, dự toán mua sắm được phê duyệt hoặc đồng thời với quyết định phê duyệt dự án, dự toán mua sắm trong trường hợp đủ điều kiện. Luật Đấu thầu (sửa đổi) cải cách nội dung này theo hướng ủy quyền cho cơ quan cấp dưới, chủ đầu tư phê duyệt. Theo đó, chủ đầu tư tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đã phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu; người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án không áp dụng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý phê duyệt (trừ một số ít trường hợp (đặc thù)). Đại diện các nhà thầu tại TP.HCM nhận định, đây là bước cải cách lớn, sẽ giúp đẩy nhanh quá trình triển khai dự án đầu tư công, tăng quyền chủ động cho các chủ đầu tư.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, thành viên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận nhận định, Luật Đấu thầu (sửa đổi) thể hiện rõ tinh thần cải cách triệt để khi cắt bỏ nhiều bước trung gian, không cần thiết như thẩm định, phê duyệt danh sách xếp hạng, thương thảo hợp đồng (chỉ áp dụng đối với gói thầu quy mô lớn, phức tạp…). “Các dự án triển khai tại địa phương đa số có quy mô vốn không lớn, không phức tạp. Do đó, nội dung này khi được hướng dẫn triển khai bằng nghị định, thông tư sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu, giải ngân vốn đầu tư công cho các địa phương”, ông nói.

Liên quan đến công tác lựa chọn nhà đầu tư, ông Trần Đại Nghĩa, Ủy viên thường vụ Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam chia sẻ, tại TP.HCM - địa phương năng động nhất cả nước, nhưng hơn 3 năm qua, chưa có dự án lựa chọn nhà đầu tư nào được phê duyệt kết quả. Công tác lựa chọn nhà đầu tư của TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác thời gian qua gặp nhiều khó khăn và niềm tin của giới đầu tư cần được phục hồi.

“Tôi hoan nghênh Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã quy định cụ thể, đầy đủ các phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với dự án lựa chọn nhà đầu tư để từ đó chuẩn chỉnh quá trình lựa chọn nhà đầu tư với các tiêu chí tối ưu nhất. Đặc biệt, Luật đã lược bỏ nhiều thủ tục như: đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư; cơ quan có thẩm quyền tổ chức đấu thầu ngay sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc danh mục dự án được phê duyệt. Lược bỏ thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, lồng ghép nội dung về lựa chọn nhà đầu tư vào quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt danh mục dự án…”, ông Nghĩa nói.

Cũng theo ông Nghĩa, điểm mới trong tư duy chính sách chính là bước cải tiến đáng ghi nhận, sẽ tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho cả cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư. “Một giá trị khác là, quan sát quá trình sửa Luật, nhiều nhà đầu tư nhìn thấy nỗ lực xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch từ các cơ quan chức năng, giúp nhà đầu tư cải thiện niềm tin và kỳ vọng phát triển”, ông Nghĩa nhận xét thêm.

Tin cùng chuyên mục