Trong danh sách những khó khăn của DN, đáng chú ý nhất là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Lê Tiên |
Phối hợp yếu là “nút thắt” căn bản
Trong danh sách nói trên, đáng chú ý là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, điển hình như: Sự không tương thích trong thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư; sự không rõ ràng, cụ thể về thời điểm cấp giấy phép quy hoạch theo Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; hay sự không thống nhất về thời điểm xác định nhu cầu sử dụng đất, hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư và hồ sơ xác định nhu cầu sử dụng đất…
Ngoài các vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, các quy định thiếu cụ thể, bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn trong pháp luật về đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN cũng được điểm danh. Đó là sự mâu thuẫn trong quy định về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai; quy định thiếu cụ thể trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thấu về lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất; quy định không thống nhất về thủ tục đánh giá tác động môi trường theo Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường…
Theo CIEM, các vấn đề nêu trên thực tế đều là các nội dung được quy định phân tán tại nhiều văn bản, được thực hiện bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau từ Trung ương đến địa phương. Chính vì vậy, nút thắt của những vướng mắc này chủ yếu do sự phối hợp còn rất hạn chế, thậm chí là thiếu tính hợp tác trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật nhằm chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư các lĩnh vực có liên quan.
Cái cớ mang tên “luật định”
Những bất cập từ sự mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý trong pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường… không phải là câu chuyện mới. Cách giải quyết đã nhiều lần được nêu ra là cần phải sửa đổi, bãi bỏ các quy định bất hợp lý, mâu thuẫn, gây khó khăn cho DN. Tuy nhiên trên thực tế, khi đặt vấn đề vào cuộc rà soát, bãi bỏ các quy định này thì nhiều cơ quan, bộ, ngành lại chưa thực sự sẵn sàng, thậm chí cho rằng chưa cần thiết sửa đổi. Có lẽ vì vậy mà câu trả lời “do đây là quy định của luật” vẫn tiếp tục được sử dụng để giải thích cho các bất cập đã nêu, dù sự bất hợp lý là hiện hữu.
Dẫn chứng cho câu chuyện này, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường của cơ quan chức năng được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau và thường xuyên thay đổi khiến DN, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thực hiện.
Đã có trường hợp, một DN lớn khi đầu tư xây dựng nhà máy đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và sử dụng những hóa chất mà các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường yêu cầu, cũng như các tiêu chuẩn ngành tại thời điểm đó cho phép. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, các tiêu chuẩn ngành theo quy định pháp luật có sự thay đổi, bổ sung, một số cơ quan ban hành thêm các quy định mới về bảo vệ môi trường, đã dẫn đến việc DN phải tiến hành thay đổi hạng mục hệ thống xử lý nước thải để đáp ứng quy định, gây tốn kém một khoản chi phí lớn. Trước đó, dù DN đã đề xuất cho lùi thời gian thực hiện việc nâng cấp hệ thống do quá trình kiểm định việc xử lý nước thải vẫn đạt tiêu chuẩn, tuy nhiên việc này không được cơ quan quản lý chấp nhận vì lý do “luật đã quy định như vậy!”.
Một trường hợp khác, theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, DN kêu tốn kém hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm khi thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Theo quy định, nhiều loại hàng hoá vừa phải kiểm tra khi chứng nhận/công bố hợp quy, vừa phải kiểm tra khi nhập khẩu; và thủ tục kiểm tra chất lượng lại do 2 cơ quan khác nhau thực hiện. Ghi nhận bất cập này, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ nghiên cứu khi sửa đổi luật. Tuy nhiên, mới đây, khi phương án sửa luật được đề xuất thì bộ này lại nói là hiện chưa cần. Cách viện cớ “luật đã quy định như vậy” lại được đưa ra để động viên các DN tiếp tục thực hiện các quy định kiểm tra cũ vốn đã tồn tại nhiều năm nay.
Không thể phủ nhận rằng, độ vênh giữa thực tiễn và quy định pháp lý là luôn có. Tuy nhiên, không thể dựa vào đó để biện minh cho sự chậm trễ trong thay đổi, hay việc cố gắng níu giữ quyền lực của một bộ phận cơ quan quản lý. “Sức sáng tạo của DN vô cùng lớn. DN không thể tăng trưởng khi bị đè nén bởi các quy định thể hiện tư duy cũ, quản lý lỗi thời, thậm chí phi kinh tế”, ông Cung khẳng định.