Điểm mặt những dự án BOT bị hụt doanh thu lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong 9 tháng đầu năm 2021, có tới 38 trong số 45 dự án BOT giao thông có mức tăng trưởng âm theo phương án tài chính. Có 7 dự án BOT đang được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất dùng ngân sách mua lại. Còn lại 31 dự án BOT, trong đó có tới 16 dự án bị thâm hụt phương án tài chính hơn 50%, nhưng vẫn chưa có phương án tháo gỡ khó khăn.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, có 38 dự án BOT đang vận hành thu phí có doanh thu thực tế tăng trưởng âm so với phương án tài chính và so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Nhã Chi
Trong 9 tháng đầu năm 2021, có 38 dự án BOT đang vận hành thu phí có doanh thu thực tế tăng trưởng âm so với phương án tài chính và so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Nhã Chi

Tháng 11/2021, Bộ GTVT có văn bản đề xuất dùng 9.427 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để mua lại 7 dự án BOT giao thông. 7 dự án BOT dự kiến được mua lại gồm: Dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 và đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới; Dự án Xây dựng mới Quốc lộ 26 qua Ninh Hòa và nâng cấp một số đoạn Quốc lộ 26 qua Khánh Hòa, Đắk Lắk; Dự án Nâng cấp Quốc lộ 91 và 91B tại Cần Thơ; Dự án Cầu Thái Hà nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Dự án Xây dựng Quốc lộ 1 tránh phía Đông và phía Tây TP. Thanh Hóa; Dự án Nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1.738 - Km1.736; Dự án Xây dựng các hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân 2.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 38 dự án BOT đang vận hành thu phí có doanh thu thực tế tăng trưởng âm so với phương án tài chính và so với cùng kỳ năm 2020.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, có 16 dự án BOT bị hụt thu hơn 50% trong 9 tháng đầu năm 2021. Trong đó Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Phủ Lý và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km215+715 - Km235+885, tỉnh Hà Nam (hụt thu 92%); Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì mới (cầu Hạc Trì) dành riêng cho giao thông đường bộ qua Sông Lô, Quốc lộ 2 (hụt thu 87%); Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình (hụt thu 79%); Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 1063+877 - Km1092+577, tỉnh Quảng Ngãi (hụt thu 73%); Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C (hụt thu 71%); Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Mỹ Lợi (Km34+826, Quốc lộ 50) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang (hụt thu 71%). Một số dự án hụt thu dưới 70% gồm: Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn Km672+600 ÷ Km704+900, tỉnh Quảng Bình (hụt thu 65%); Dự án Cải tạo nâng cấp QL 18 đoạn từ thị xã Uông Bí - TP. Hạ Long (hụt thu 64%); Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Cổ Chiên, Quốc lộ 60, tỉnh Bến Tre và Trà Vinh (hụt thu 57%); Dự án Xây dựng tuyến tránh TP. Vinh và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nam cầu Bến Thuỷ đến tuyến tránh Hà Tĩnh (hụt thu 55%)... Đặc biệt, Dự án Đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 ÷ Km2014+000, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT thâm hụt 100% doanh thu nhiều năm qua.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư cho biết, họ không được điều chỉnh tăng giá vé qua trạm thu phí theo lộ trình đã được quy định trong hợp đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều này là không thuyết phục và không công bằng với nhà đầu tư BOT. Trong thời gian thực hiện hợp đồng dự án BOT, nhà đầu tư phải thực hiện giảm giá theo Nghị quyết 35/2016/NQ-CP; giảm giá vùng lân cận trạm thu phí và giảm giá chung theo chỉ đạo của Bộ GTVT trong khi lưu lượng xe thực tế thấp hơn so với dự kiến… Những nguyên nhân này ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương án tài chính, nhưng các cơ quan ban ngành liên quan chậm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, khiến các dự án BOT lâm vào khủng hoảng và bế tắc.

Theo một chuyên gia đầu tư, những tồn tại, vướng mắc của các dự án BOT kéo dài nhiều năm: bất cập của hình thức thu phí lượt nên không bảo đảm sự công bằng tuyệt đối cho phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ; một số vị trí đặt trạm thu phí đã được Bộ GTVT thống nhất với địa phương nhưng bất cập về vị trí... Tuy nhiên, các bất cập này đều nằm trong phương án tài chính đã được ký kết nên khi phát sinh khó khăn, cần phải có giải pháp chia sẻ, tháo gỡ với nhà đầu tư để tránh những hệ lụy về sau. Càng để lâu, hậu quả càng lớn, các dự án BOT sẽ bị dồn vào ngõ cụt.

Tin cùng chuyên mục