Điện gió gặp khó vì giá thiếu cạnh tranh

(BĐT) - Sáng ngày 29/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội thảo Năng lượng gió Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã trao Giấy phép thành lập Vestas Việt Nam cho Tập đoàn Vestas (Đan Mạch) - doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió.
Việt Nam là quốc gia có trữ lượng gió thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Huyền Trang
Việt Nam là quốc gia có trữ lượng gió thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Huyền Trang

Nhân sự kiện này, Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Chris Beaufait, Chủ tịch Vestas châu Á - Thái Bình Dương và Trung Quốc. 

Trước hết, xin chúc mừng Vestas đã có bước tiến quan trọng tại thị trường Việt Nam. Lý do Vestas chọn Việt Nam là gì, thưa ông?

Chúng tôi đã có mặt ở Việt Nam kể từ khi các bạn bắt đầu hành trình đi tìm điện gió. Tới nay, chúng tôi vẫn cam kết góp phần vào sự phát triển của ngành và việc Vestas Việt Nam được thành lập là một minh chứng cho lòng tin và cam kết dài hạn của chúng tôi đối với Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam là quốc gia có trữ lượng gió thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tiềm năng điện gió ở Việt Nam rất lớn, lên tới 27.000 MW, nhưng tới nay, các bạn mới chỉ khai thác được 158 MW điện gió.

Điện gió gặp khó vì giá thiếu cạnh tranh ảnh 1
Ông Chris Beaufait
Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), các dự án nhiệt điện than vẫn được ưu tiên. Tại sao Vestas vẫn quyết định đầu tư các dự án điện gió?

Khi nhìn vào lịch sử phát triển điện năng, nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò rất lớn. Chẳng hạn như ở Đan Mạch, vào năm 1995 thì tỷ lệ điện than vẫn chiếm tới 95% tổng các nguồn điện, nhưng đến nay tỷ lệ điện gió đã chiếm hơn một nửa tổng nguồn điện cung cấp cho thị trường. Việt Nam là quốc gia có tài nguyên điện gió rất lớn, chúng tôi tin tưởng thị trường này hoàn toàn phát triển được.

Tôi cho rằng, năm nay là một năm quan trọng của Vestas tại Việt Nam với dấu mốc hoàn tất thi công Nhà máy Điện gió Phú Lạc 1. Dự án này được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và sử dụng 12 tuabin gió mẫu Vestas. Dự kiến, trong năm 2017, chúng tôi sẽ hoàn thành Dự án Nhà máy Điện gió Hương Linh 2 có công suất 30 MW. Chúng tôi tin tưởng, hai dự án này sẽ là những điển hình để tạo cơ sở cho việc hiện thực hóa tiềm năng điện gió của Việt Nam. 

Các dự án điện gió thường có vốn đầu tư rất lớn, cần sự hỗ trợ tài chính từ phía ngân hàng. Theo ông, đâu là rào cản đối với các dự án điện gió khi tiếp cận tín dụng?

Vấn đề lớn nhất trong phát triển các dự án điện gió là đầu tư ban đầu khá lớn, nên các ngân hàng xem xét cẩn trọng trong việc cấp tín dụng là đương nhiên. Tôi cho rằng, có hai vấn đề lớn mà các tổ chức tín dụng quan tâm khi xem xét hỗ trợ triển khai các dự án điện gió. Thứ nhất là khuôn khổ chính sách. Thông thường các dự án điện gió thường sử dụng 2 nguồn vốn (chủ sở hữu và vốn vay) nên khi xem xét tài trợ vốn, các tổ chức đặc biệt lưu ý đến khuôn khổ chính sách để đánh giá mức độ rủi ro để cho vay. Thứ hai là vòng đời của các dự án điện gió thường khá dài (khoảng 20 - 25 năm) nên ngân hàng họ cũng muốn có được bức tranh tổng thể về nền kinh tế để xem xét trong thời gian ấy họ nên đầu tư vào như thế nào. 

Với số vốn đầu tư lớn, liệu giá bán điện gió của Việt Nam trong tương lai có tăng không?

Điện gió có một tương lai rất sáng ở Việt Nam. Với nguồn nhiên liệu gió được đánh giá tốt nhất khu vực Đông Nam Á, tôi tin rằng, giá điện gió của Việt Nam chắc chắn sẽ cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực. Hơn nữa, hiện giá bán điện của Việt Nam cũng thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Khi được nâng lên một chút và cộng thêm những tích lũy trong điều hành, quản lý cũng như sử dụng nguồn điện này thì dần dần mức giá điện gió chắc chắn sẽ giảm.

Tin cùng chuyên mục