Một số doanh nghiệp trong nước đã kiên trì chứng minh hàng Việt sẽ dần có chỗ đứng trong các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên |
Tích cực đấu thầu các dự án sử dụng ngân sách nhà nước
Theo thông tin từ Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI), các DN Việt Nam hiện nay đang còn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc, trong khi ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam thì chưa phát triển. Chính lãnh đạo của CADIVI cũng thừa nhận, máy móc thiết bị từ Trung Quốc có giá rẻ hơn, giúp DN tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, CADIVI vẫn quyết định đầu tư máy móc được nhập khẩu từ Đức, Ý, Phần Lan, Pháp… để đảm bảo chất lượng ổn định cho sản phẩm, hiệu suất cao, ít tiêu hao năng lượng…
Và quan trọng hơn là với công nghệ tiên tiến của thế giới, CADIVI có đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, tương đương các nước trong khu vực và dần thay thế hàng nhập khẩu. Sản phẩm của nhiều DN Việt trong lĩnh vực CNHT đã thực sự tìm được chỗ đứng trong nhiều gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt là ngành điện. CADIVI, LIOA, Công ty CP Sáng Ban Mai, Công ty CP Thang máy Thiên Nam… là những nhà thầu cơ điện đi đầu trong việc mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để cung cấp ra thị trường những sản phẩm đáp ứng tiêu chí kỹ thuật của các gói thầu mua sắm hiện nay.
Hiện nay, trong các dự án thuộc kế hoạch mua sắm phục vụ sản xuất kinh doanh của ngành điện lực Việt Nam, DN Việt đã có vị trí nhất định. Sản phẩm của không ít nhà thầu Việt đã được sử dụng tại các nhà máy thủy điện như Đại Ninh, các đường dây truyền tải điện lớn… Khách hàng của CADIVI, LIOA… là Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực Miền Nam đều cho rằng, họ yên tâm khi tổ chức đấu thầu mà các DN này tham gia. Thậm chí, khi xây dựng danh mục e-catalogue cho Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, các đơn vị này cũng tự tin đề xuất đưa sản phẩm của Việt Nam vào đầu tiên.
Kiên trì nâng chất lượng
“Chúng tôi biết là dù có thể tốn nhiều chi phí hơn, mất nhiều thời gian và công sức hơn, nhưng DN chúng tôi sẽ kiên trì để chứng minh hàng Việt do người Việt sản xuất trên đất Việt sẽ dần có chỗ đứng trong các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước. Chính các chủ đầu tư là người sử dụng sẽ dần quen với việc sản phẩm của người Việt hoàn toàn đủ sức để đấu với hàng ngoại nhập, nếu được tạo điều kiện cạnh tranh sòng phẳng” - ông Vũ nhận định.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, Giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai Trần Thành Trọng tự tin: “Có thể thời gian qua, nhiều chủ đầu tư chưa có niềm tin đối với hàng Việt, đặc biệt là khi đấu thầu có giá trị lớn hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, không vì thế mà các DN chúng tôi bi quan, bỏ cuộc. Chúng tôi vẫn tích cực xây dựng niềm tin của khối khách hàng không sử dụng ngân sách nhà nước, khách hàng là DN FDI. Niềm tin ấy sẽ có sức lan tỏa đến nhiều chủ đầu tư đang được giao sử dụng vốn ngân sách nhà nước để mua sắm. Chắc chắn, cùng với sự hỗ trợ của nhiều chính sách ưu đãi trong công tác đấu thầu, hỗ trợ hàng Việt, DN Việt chân chính sẽ không còn nhiều thua thiệt khi đi đấu thầu”.
Lãnh đạo của 2 DN cơ điện nêu trên khi chia sẻ với Báo Đấu thầu đều khẳng định: “Có bất kỳ thông tin mời thầu nào trong lĩnh vực của mình, chúng tôi đều tích cực tham gia, không bỏ sót, dù là gói thầu nhỏ nhất. Vì đây là những bài học, kinh nghiệm thực tế mà DN cần học hỏi mỗi ngày”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, DN Việt Nam cần chú trọng thu hút sự hỗ trợ, đầu tư cả về vốn, kỹ thuật và chuyên gia từ các nước phát triển hơn trong nội khối nhằm đẩy nhanh quá trình dịch chuyển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tạo đà phát triển cân bằng hơn so với khu vực. Lãnh đạo ngành công thương cũng cho rằng, chính niềm tin vào nội lực cũng như chủ trương nhất quán của Chính phủ về ưu tiên dùng hàng Việt sẽ giúp hàng Việt có chỗ đứng trong những gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước thời gian tới.