Định vị tầm nhìn phát triển dài hạn cho Lào Cai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian tới được xác định là “giai đoạn vàng” để Lào Cai bứt phá, vươn lên, trở thành cực tăng trưởng năng động của các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai về các định hướng chiến lược giúp kinh tế Lào Cai “cất cánh”.
Du lịch được xác định là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của Lào Cai, trong đó tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế
Du lịch được xác định là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của Lào Cai, trong đó tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế

Lào Cai là địa phương thứ 6 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông đánh giá thế nào về những cơ hội và thách thức của Lào Cai trong thời gian tới?

Có thể nói cơ hội và thách thức luôn song hành trong quá trình phát triển nói chung. Do vậy, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch, UBND Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn không những tập trung phân tích, làm rõ cơ hội và thách thức trong kỳ quy hoạch 2021 - 2030, mà đồng thời đưa ra các dự báo dài hơi nhằm đảm bảo tính liền mạch, tính tích hợp, từ đó đưa ra những định hướng và giải pháp phù hợp nhất.

Ông Trịnh Xuân Trường

Ông Trịnh Xuân Trường

Quy hoạch được phê duyệt đem đến cơ hội sắp xếp và bố trí lại không gian phát triển kinh tế - xã hội của Lào Cai một cách hiệu quả, bền vững trên cơ sở tập trung phát triển: một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển kinh tế, từ đó tập trung huy động nguồn lực đầu tư nhằm phát huy tối đa hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và toàn diện. Đồng thời, đây là cơ hội để tất cả lĩnh vực, ngành như: du lịch; kinh tế cửa khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản... có thể cấu trúc lại nhằm tận dụng tối đa dư địa phát triển. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Lào Cai nâng cấp, cải thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu một cách đồng bộ như hệ thống giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số… nhằm tạo tính kết nối, hỗ trợ liên vùng; khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Quy hoạch cũng chỉ ra những thách thức đang đợi chờ trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai thời gian tới, bao gồm cả yếu tố bên ngoài và yếu tố nội tại. Về những yếu tố bên ngoài, đó là dịch bệnh tiếp tục có diễn biến khó lường, cạnh tranh kinh tế quốc tế ngày càng gay gắt, hội nhập quốc tế sâu rộng đặt các doanh nghiệp trong tỉnh trước sức ép cạnh tranh về công nghệ, chất lượng và thương hiệu; thách thức phát triển bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường... Về những yếu tố nội tại, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch về phát triển giữa các vùng, khu vực kinh tế trong Tỉnh ngày càng cao; chất lượng nhân lực còn thấp và chưa đồng đều giữa các địa phương… là những thách thức không nhỏ trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.

So với nhiều địa phương khác ở miền Bắc, Lào Cai đặc biệt có nhiều thế mạnh và tiềm năng để phát triển du lịch. Vậy chiến lược của Lào Cai trong thời gian tới là gì để phát huy lợi thế thiên nhiên ban tặng này, thưa ông?

Phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói được xác định là một trong bốn trụ cột phát triển kinh tế của Lào Cai. Thông qua Quy hoạch, Lào Cai đã định hướng phát triển các không gian du lịch theo 3 vùng trọng điểm: vùng du lịch Tây Bắc gồm thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, thành phố Lào Cai; vùng du lịch Đông Bắc gồm các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai; vùng du lịch phía Nam gồm các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn.

UBND Tỉnh đang chỉ đạo các ngành khẩn trương xây dựng, triển khai lộ trình thực hiện Quy hoạch nói chung và định hướng phát triển ngành du lịch nói riêng nhằm tạo sự đồng bộ, linh hoạt. Trong đó, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phù hợp nhằm hỗ trợ phát triển du lịch, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có ở mức cao nhất, như: đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Sa Pa, phối hợp đẩy nhanh quá trình mở rộng cao tốc Hà Nội - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai) lên 4 làn xe, tuyến đường sắt khổ 1,435 m và nhiều giải pháp tổng hợp khác.

Lào Cai định hướng trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc. Ảnh: Phạm Bằng

Lào Cai định hướng trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc. Ảnh: Phạm Bằng

Tốc độ phát triển hiện nay của tỉnh Lào Cai được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Ông có thể chia sẻ các “điểm nghẽn” phát triển của tỉnh Lào Cai thời gian qua, từ đó có giải pháp để bứt phá phát triển ở tầm cao thời gian tới?

Các “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của Lào Cai thời gian qua đã được đề cập trong Quy hoạch như: hạ tầng giao thông kết nối Lào Cai với các tỉnh, thành khác và giữa các địa phương trên địa bàn Tỉnh chưa thuận lợi, chưa tạo động lực để khai thác các tiềm năng, lợi thế như kinh tế cửa khẩu, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo…

Việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm; chưa thu hút được nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp FDI có uy tín, trình độ công nghệ cao cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo…; chế biến sâu khoáng sản chưa phát triển, ví dụ, sản phẩm chế tạo, cơ khí từ luyện đồng, thép như dây đồng, cáp điện, động cơ..., các sản phẩm chế biến sâu từ quặng apatit chưa nhiều.

Bên cạnh đó, năng suất lao động ngành nông, lâm, thủy sản thấp, bằng 70% so với mức bình quân của cả nước; quy mô sản xuất còn nhỏ (vùng sản xuất, trình độ công nghệ sản xuất, trình độ lao động, năng lực ứng dụng công nghệ còn hạn chế...).

Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực là rào cản rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là yêu cầu về nhân lực có trình độ đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch trong thời gian tới.

Từ việc phân tích và làm rõ các “điểm nghẽn” trên, Quy hoạch đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai trong thời gian tới, đó là: hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực, nguồn lao động; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng số; phát triển nông nghiệp, nông thôn và sắp xếp, ổn định dân cư; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá con người Lào Cai.

Ông đánh giá thế nào về các hoạch định trụ cột, các điều kiện cần thiết giúp kinh tế Lào Cai “cất cánh”?

Đây là các trụ cột mang yếu tố quyết định để Lào Cai đạt được các mục tiêu đề ra trong kỳ quy hoạch, là các chủ thể chính góp phần cụ thể hóa khát vọng vươn lên, kiến tạo không gian phát triển để định vị vị thế trong vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Thực hiện thành công các trụ cột này sẽ đẩy nhanh quá trình xây dựng Lào Cai thành một cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam với các nước ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc. Theo đó, điều kiện cần thiết để các trụ cột kinh tế giúp Lào Cai “cất cánh” trong thời gian tới là:

Thứ nhất, phát triển du lịch, trong đó tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế; xây dựng Y Tý (Bát Xát), Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc hướng tới trở thành khu du lịch quốc gia. Phát triển khu vực Bảo Hà (Bảo Yên) - Tân An (Văn Bàn) trở thành trung tâm du lịch văn hóa tín ngưỡng cấp vùng và quốc gia. Tổ chức liên kết không gian du lịch Sa Pa với Y Tý và thành phố Lào Cai. Hình thành hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ thị trường nội địa, quốc tế, các sản phẩm du lịch đặc trưng tại 3 vùng du lịch trọng điểm.

Thứ hai, phát triển kinh tế cửa khẩu, dịch vụ, đưa Lào Cai trở thành một trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu của cả nước, là trung tâm giao thương kết nối các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam Trung Quốc, châu Âu.

Thứ ba, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó tập trung mở rộng, phát triển nhóm ngành công nghiệp sau luyện kim, hoá chất, phân bón theo chiều sâu gắn với khai thác các loại khoáng sản có trữ lượng lớn như apatit, đồng, sắt, đất hiếm. Ưu tiên phát triển công nghiệp gia công, chế tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ…

Thứ tư, phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản gắn với chuỗi giá trị nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đi đôi với nâng cao giá trị và uy tín thương hiệu nông sản địa phương. Phát huy lợi thế so sánh của địa phương để phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực. Gắn kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa với công nghiệp chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu…

Ưu tiên phát triển của tỉnh Lào Cai trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

* Một trục động lực: hình thành một trục kinh tế động lực dọc sông Hồng, trong đó phát triển trục đô thị: thị trấn Bát Xát mở rộng, thành phố Lào Cai, thị trấn Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu mở rộng, các đô thị mới Bảo Hà - Tân An, Trịnh Tường, Võ Lao; phát triển công nghiệp gia công, chế biến chế tạo, công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến sâu nông sản; thu hút đầu tư xây dựng các khu logistics, cảng cạn, hạ tầng thương mại phục vụ kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển các khu dịch vụ du lịch, du lịch văn hóa - tâm linh và vui chơi giải trí.

* Hai cực phát triển: cực phía Bắc gồm thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và một phần huyện Bảo Thắng sẽ phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, là khu vực kết nối trực tiếp với vùng Tây Nam Trung Quốc; cực phía Nam gồm huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, nông lâm nghiệp, là khu vực kết nối các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ với khu vực ASEAN.

* Ba vùng kinh tế, gồm: vùng thấp với các huyện Văn Bàn, Bảo Yên; vùng cao gồm các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thị xã Sa Pa, phần phía Tây huyện Bát Xát; vùng trung tâm gồm thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, phần hạ huyện Bát Xát dọc sông Hồng.

* Bốn trụ cột phát triển kinh tế, bao gồm: phát triển kinh tế cửa khẩu, dịch vụ; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển du lịch; phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Tin cùng chuyên mục