Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp đã được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện có thể làm giảm tính lan tỏa với nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành kịp thời các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp nhưng một số hướng dẫn lại chậm được ban hành.
“Đơn cử như chính sách hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%. Theo Nghị quyết 43, chính sách này sẽ kéo dài trong 2 năm 2022 và 2023, tức là 24 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai thực thi, tức là chỉ còn 21 tháng. Do đó, nghị định hướng dẫn nội dung này cần chú ý xử lý về mặt kỹ thuật, tức là hướng dẫn mốc áp dụng từ 1/1/2022. Cách làm này sẽ khắc phục được tối đa việc chậm trễ về thời điểm thực hiện chính sách. Nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022 cũng cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc đó. Doanh nhân và doanh nghiệp dựa trên các chính sách để tính toán kế hoạch kinh doanh nên việc ban hành nghị định hướng dẫn sớm sẽ thiết thực hơn”, ông Nam nói.
Theo TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ở thời điểm hiện nay, bên cạnh tác động do dịch bệnh, diễn biến phức tạp từ căng thẳng Nga - Ukraine khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn nên việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi càng cần thiết và việc thực thi hiệu quả chính sách càng có ý nghĩa. Có thể thấy sự sốt ruột và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ khi trong 2 tháng vừa qua đã 2 lần có công điện đốc thúc triển khai.
“Thực tế, một số chính sách đã được triển khai sớm, song nhiều chính sách quan trọng vẫn chưa có quy định hướng dẫn thực hiện. Trong khi đó, tính kịp thời ảnh hưởng lớn đến hiệu quả và mục tiêu của chính sách. Đơn cử, chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động nếu làm kịp thời sẽ góp phần nhanh chóng thu hút người lao động quay trở lại làm việc khi hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường”, ông Hiếu nói.
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc thực thi chính sách rất quan trọng, chính sách tốt mà thực thi không tốt thì người hưởng lợi thiệt thòi và giảm tính lan tỏa với nền kinh tế.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng và phát triển kinh tế đang gặp thách thức từ nhiều phía, cần quyết liệt và khẩn trương thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, các công điện đôn đốc của Thủ tướng Chính phủ cho thấy tinh thần đó.
“Quá trình xây dựng chính sách cũng có thể linh hoạt theo hướng bỏ bước xây dựng thông tư mà chỉ có nghị định, tức là không quá cầu toàn mà lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm để nhanh chóng triển khai. Cũng trên tinh thần này, chính sách hỗ trợ cần theo hướng hạn chế tạo áp lực ‘sợ áp dụng sai’ cho doanh nghiệp, nên theo tinh thần nhìn nhận cái sai để sửa và chấp nhận một phần sai số nhất định, vừa làm vừa điều chỉnh”, ông Thành đề xuất.
Từ góc độ khác, TS. Phan Đức Hiếu cho rằng, thực tế, một số bộ, ngành, địa phương và đơn vị nhanh chóng và tích cực triển khai. “Điều này nên là một chuyển động đồng thời, đồng bộ giữa các bên. Nếu nhanh chóng hỗ trợ lãi suất mà không có đủ nguồn lao động triển khai, hoạt động logistics vẫn chưa thông suốt thì không tạo được sức mạnh cộng hưởng để thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, từ đó tạo đà cho tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ”, ông Hiếu nhấn mạnh.