Đo lường đổi mới sáng tạo khu vực công tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội thảo Tham vấn khung chỉ số đo lường đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong khu vực công tại Việt Nam tổ chức ngày 3/8, hầu hết các đại biểu tham dự đều đáng giá cao sáng kiến xây dựng bộ chỉ số này. Các ý kiến nhận định, bộ chỉ số là đòn bẩy đưa khu vực công thành "người dẫn đường" ĐMST, từ đó góp phần tạo đột phá thúc đẩy kinh tế tri thức, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế.
Ông Võ Xuân Hoài giới thiệu tổng quan về đổi mới sáng tạo trong khu vực công và các cơ chế, chính sách của Việt Nam liên quan đến đổi mới sáng tạo tại Hội thảo.
Ông Võ Xuân Hoài giới thiệu tổng quan về đổi mới sáng tạo trong khu vực công và các cơ chế, chính sách của Việt Nam liên quan đến đổi mới sáng tạo tại Hội thảo.

Theo ông Võ Xuân Hoài - Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), ĐMST về cơ bản là một quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, quy trình… mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế, xã hội. ĐMST trong khu vực công nhằm hướng đến kết quả hoạt động của khu vực công tốt hơn, gồm hiệu quả, hiệu suất và sự thỏa mãn của người sử dụng và nhân viên.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thu Trang - thành viên nhóm nghiên cứu của NIC cho hay, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đều có khung đo lường ĐMST cho khu vực công. Theo bà Trang, ĐMTS trong khu vực này xoay quanh chủ yếu việc đổi mới quy trình, đổi mới chính sách và đổi mới truyền thông...

Trên cơ sở đó, NIC phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đề xuất xây dựng bộ chỉ số đo lường ĐMST trong khu vực công (PSII) tại Việt Nam với 4 mục tiêu chính.

Đó là, cung cấp cái nhìn tổng quan trong việc hình thành khái niệm và đo lường ĐMST trong khu vực công; đo lường năng lực ĐMST tổ chức công lập trong khu vực công; giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được các mức độ đổi mới và động lực khác nhau trong các bộ phận khác nhau của cơ quan, tổ chức trong khu vực công; làm căn cứ giúp cơ quan, tổ chức có giải pháp thúc đẩy ĐMST trong khu vực công.

PSII của Việt Nam sẽ gồm 4 trọng số chính (đầu vào ĐMST; năng lực ĐMST; hoạt động/quy trình ĐMST; đầu ra ĐMST), trong đó có nhiều chỉ số thành phần. Theo lộ trình xây dựng, dự kiến PSII của Việt Nam sẽ được công bố vào tháng 12 năm nay.

Đối tượng phục vụ của bộ chỉ số là các cơ quan, bộ, ngành và địa phương; cơ quan quản lý nhà nước về ĐMST; các cán bộ công chức, viên chức hiểu và thực hiện ĐMST trong công việc để nâng cao năng lực ĐMST.

Đánh giá cao đề xuất xây dựng PSII, ông Lý Đình Quân - Tổng giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn cho biết: “Quá trình tham gia hoạt động trong hệ sinh thái ĐSMT ở Việt Nam nhiều năm qua còn không ít bất cập, đặc biệt là khu vực công. Vì thế, PSII được xây dựng và ban hành sẽ tạo ra sự đột phá rất lớn trong thúc đẩy nền kinh tế tri thức. Đây là cơ sở để Việt Nam thu hút các nguồn lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh đất nước”.

Ông Quân cho rằng, việc dựa trên sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tham vấn chuyên gia để rút ngắn quá trình xây dựng bộ chỉ số là rất cần thiết. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho ĐMST của Việt Nam hiện vẫn được đánh giá hạn chế, vì vậy vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho ĐMST cũng cần được quan tâm thông qua thúc đẩy gắn kết với các trường đại học, chuyên gia.

Bác lại một số ý kiến cho rằng những người làm cán bộ công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước không cần phải ĐMST cũng như không có động lực ĐMST, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn Phòng Chính phủ chia sẻ, với kinh nghiệm của người làm công chức thấy rằng, cán bộ công chức đều có nhu cầu ĐMST.

“Nếu quá trình thực thi công vụ, cán bộ không nâng cao hiệu quả lao động, không có ĐMST chắc chắn sẽ không thực hiện được công việc được giao. Hơn nữa, khi chúng ta thực hiện quản lý nhà nước có những việc liên quan đến giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp - đây chính là động lực đòi hỏi thúc đẩy ĐMST khu vực công”, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính nhấn mạnh.

Để hoàn thiện bộ chỉ số, một số chuyên gia góp ý, quá trình xây dựng PSII nên phân tách rõ khu vực công gồm 2 khu vực (hành chính công và sự nghiệp công) để có sự phân tách xây dựng bộ chỉ số thực sự phù hợp với bối cảnh Việt Nam…

Tin cùng chuyên mục