Việc doanh nghiệp bất động sản mua cổ phần hoặc cử nhân sự chủ chốt vào ban lãnh đạo ngân hàng có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên |
Những sự kiện đáng chú ý gần đây với giới ngân hàng là bà Trần Thu Hằng, Tổng giám đốc Sunshine Group và ông Lê Hồng Phương, Tổng giám đốc BB Group tham gia Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank); ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thaiholdings được giới thiệu là đại diện cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Các sự kiện này gây quan ngại về tình trạng sở hữu chéo quay trở lại.
Một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng, việc doanh nghiệp bất động sản tìm cách mua cổ phần hoặc gửi gắm nhân sự chủ chốt vào ban lãnh đạo ngân hàng có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi việc tìm vốn cho các dự án bất động sản trở nên khó khăn hơn.
Bình luận về hiện tượng này, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, sở hữu chéo là thực tế diễn ra ở tất cả các nền kinh tế.
Khi một doanh nghiệp sở hữu chéo một doanh nghiệp khác, đích hướng đến của hành vi này không chỉ dừng lại ở việc đầu tư thông thường nhằm hưởng cổ tức hay lãi vốn, mà còn hướng đến tăng quyền lực kiểm soát. Kiểm soát quyền lực qua sở hữu chéo mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trên phương diện giảm chi phí giao dịch cho một số hoạt động hợp tác.
Sở hữu chéo giữa doanh nghiệp sản xuất và khu vực tài chính, tín dụng giúp doanh nghiệp được bảo đảm về nguồn tài chính với chi phí hợp lý. Điều này rất quan trọng ở các thị trường mới nổi, nơi thị trường vốn chưa phát triển và khó huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, theo ông Minh, điều đáng quan ngại là sở hữu chéo có thể dẫn đến việc kiểm soát điều hành, hạn chế sự giám sát của cổ đông. Sở hữu chéo khiến các nhà băng cho vay thiếu cẩn trọng và tập trung nhiều vào một số doanh nghiệp. Khi vốn được dồn vào một số ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khi các doanh nghiệp này rơi vào thua lỗ, các khoản vay sẽ trở thành nợ xấu.
Để hạn chế tình trạng này, Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định khá chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu của cổ đông và tổ chức, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng. Chẳng hạn, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
“Bản thân các ngân hàng cũng đã có quy định nội bộ để giám sát chặt chẽ việc giải ngân vốn tín dụng, đánh giá các khoản vay để hạn chế rủi ro với nguồn vốn. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp muốn tận dụng lợi thế từ sở hữu chéo, họ vẫn có thể tìm mọi cách để lách quy định về các giới hạn nêu trên. Do đó, luôn luôn giám sát quan hệ sở hữu và phân bổ vốn tín dụng có liên quan là việc cần làm để lường trước và hạn chế rủi ro phát sinh từ các mối quan hệ sở hữu này”, ông Minh nhấn mạnh.