Việt Nam xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn cao su với trị giá 3,4 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh: Song Lê |
Công ty CP Cao su Đồng Phú mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 với doanh thu thuần đạt 1.224,5 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 402,7 tỷ đồng, tăng 32%.
Theo thông tin được Cao su Đồng Phú công bố, sản lượng tiêu thụ năm 2024 đạt 11.929,53 tấn, giảm 11,3% so với năm 2023. Tuy nhiên, giá bán bình quân lại tăng 37%, từ mức 34,447 triệu đồng/tấn lên 47,176 triệu đồng/tấn. Giá bán của Cao su Đồng Phú cũng tăng dần theo từng quý trong năm 2024, từ mức 41,88 triệu đồng/tấn trong 6 tháng đầu năm, lên 46,194 triệu đồng/tấn trong quý III/2024 và 53,455 triệu đồng/tấn trong quý cuối năm.
Quý cuối năm 2024, Công ty CP Cao su Tây Ninh hưởng lợi lớn từ việc giá mủ cao su duy trì ở mức cao, không chỉ tại công ty mẹ mà cả công ty con Tây Ninh Siêm Riệp PTCS (Campuchia). Giá bán mủ bình quân đạt hơn 52 triệu đồng/tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, giúp lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 đạt 128 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế cả năm 2024, doanh nghiệp này đạt 753 tỷ đồng doanh thu và 221 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 34% và 228% so với năm 2023. Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, giá cổ phiếu TRC trên sàn chứng khoán tăng phi mã, chốt phiên 20/1 tại mốc 62.700 đồng/CP.
Trong quý IV/2024, doanh thu của Công ty CP Cao su Bến Thành đạt hơn 118 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4,8 tỷ đồng, giảm 25%. Tính chung cả năm 2024, Cao su Bến Thành ghi nhận doanh thu kỷ lục 419 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 27 tỷ đồng, tăng 12%, bất chấp áp lực chi nhiều hơn cho nhân sự, nguyên vật liệu, bao bì và khoản dự phòng.
Một số doanh nghiệp khác đã công bố kết quả kinh doanh như Công ty CP Cao su Bà Rịa ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 151 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; Công ty CP Cao su Thống Nhất đạt gần 47 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27%.
Theo Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS), nguồn cung cao su tự nhiên có khả năng tiếp tục khan hiếm trong những năm tới, giúp giá mủ duy trì xu hướng tăng. Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thậm chí dự báo lợi nhuận sau thuế của ngành cao su tự nhiên có thể tăng gần 44% trong năm 2025.
Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, giá trị xuất khẩu 3,4 tỷ USD được Tổng cục Hải quan công bố mới chỉ là xuất khẩu mủ cao su (tươi và sơ chế). Tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành cao su trong năm 2024 ở mức kỷ lục, lên đến 10,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm cao su chế biến sâu (lốp ô tô, găng cao su và các sản phẩm khác) đạt 4,5 tỷ USD và xuất khẩu gỗ cao su ước đạt 2,3 tỷ USD.
VRA nhận định năm 2025 hứa hẹn tiếp tục là một năm thành công với ngành cao su Việt Nam, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 11 - 11,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2024. Trong đó, cao su thiên nhiên dự kiến đạt 3,5 tỷ USD; sản phẩm cao su đạt khoảng 5 tỷ USD và gỗ cao su đạt khoảng 2,5 tỷ USD.
Giá xuất khẩu bình quân cao su trong cả năm 2024 đạt 1.701 USD/tấn, cao hơn khá nhiều so với năm 2023 (1.350 USD/tấn). Giá bình quân xuất khẩu các mặt hàng cao su sang Trung Quốc trong năm 2024 đều tăng so với năm 2023, trong đó có nhiều chủng loại tăng rất mạnh. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2024, cao su RSS1 tăng 43%; Latex tăng 37%; SVR CV50 tăng 31%; RSS3 tăng 30%; SVR CV60 tăng 25%; hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp tăng 25%; SVR3L tăng 24%; SVR10 tăng 21%.