Tạo thuận lợi cho DN nhờ sửa đổi kịp thời văn bản pháp quy

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo mới nhất của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy sự chuyển biến đáng kể trong dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2024, với số lượng văn bản pháp luật tăng mạnh, trong khi thời gian soạn thảo được rút ngắn. Sự chuyển biến này được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới.
Nhiều doanh nghiệp mong rằng, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục thực chất và thuận lợi trong thực thi. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều doanh nghiệp mong rằng, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục thực chất và thuận lợi trong thực thi. Ảnh: Nhã Chi

Xoay chuyển nhanh để đáp ứng yêu cầu thực tế

Theo Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2024, Quốc hội đã ban hành 31 luật, Chính phủ ban hành 182 nghị định, các bộ ban hành 629 thông tư trong năm ngoái. So với năm 2023, khối lượng văn bản pháp luật năm 2024 tăng đáng kể, đặc biệt là số lượng luật và nghị định tăng gần gấp đôi.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được làm mới để phù hợp với bối cảnh và tạo thêm thuận lợi cho các chủ thể trong hoạt động kinh tế.

Chẳng hạn, Luật Đấu thầu năm 2023 được ban hành vào cuối tháng 6/2023, và chưa đầy một năm sau, luật này được tiếp tục sửa đổi tại Luật số 57/2024/QH15 (một luật sửa 4 luật). Các văn bản hướng dẫn Luật số 57/2024/QH15 cũng được điều chỉnh tương ứng để rút ngắn quy trình đấu thầu. Hiện nay, để cụ thể hóa chủ trương theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Luật Đấu thầu tiếp tục được đề nghị điều chỉnh theo cơ chế một luật sửa nhiều luật.

Hay là chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành vào ngày 1/8/2024, nhưng quy định tại luật này đã được sửa đổi ngay tại Luật Đầu tư công 2024 liên quan đến nội dung về kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Theo quy định mới tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2025, quy trình soạn thảo và ban hành luật có sự thay đổi toàn diện, đổi mới căn bản. Luật có thể thông qua ngay trong 1 kỳ họp, thay vì 2 kỳ họp như thông lệ trước đây (bao gồm: 1 kỳ thảo luận, 1 kỳ thông qua; thậm chí Luật Đất đai trải qua tới 4 kỳ họp). Thời gian soạn thảo, ban hành luật từ 22 tháng xuống còn 10 tháng. Thời gian soạn thảo theo quy trình rút gọn dự kiến giảm từ 7 - 10 tháng xuống còn 1 - 2 tháng.

Cách tiếp cận mới trong xây dựng VBQPPL này, theo phân tích của Nhóm nghiên cứu của VCCI, có ưu điểm vượt trội trong giải quyết toàn diện các vướng mắc, khó khăn, từ đó nhanh chóng khơi thông tổng thể các điểm nghẽn pháp lý, thay vì phải mất thời gian sửa đổi nhiều luật theo quy trình thông thường.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho rằng, trong bối cảnh ưu tiên phát triển kinh tế hiện nay, việc nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thể chế đã tạo nên sức ép lớn đối với những nhà soạn thảo VBQPPL, buộc phải thay đổi tư duy, cách làm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. “Sự thay đổi, cải cách về thể chế nhanh chóng theo hướng tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao”, ông Tuấn nhận định.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, xu hướng này chỉ nên áp dụng để giải quyết trọn vẹn một chủ đề nhất định đã được rà soát, phát hiện kỹ lưỡng vướng mắc từ trước. Còn các vấn đề khác nên soạn theo quy trình thông thường để có thể tham vấn và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ban hành VBQPPL, bảo đảm tính tổng thể thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quy định mới cần thực chất và khả thi

Trong nỗ lực làm mới quy định pháp lý, nhiều doanh nghiệp mong rằng, hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục cần thực chất và thực sự thuận lợi trong thực thi.

Trong lĩnh vực viễn thông, ông Trần Thanh Phương - Giám đốc Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam lo ngại chi phí tuân thủ gia tăng khi các quy định về quy chuẩn kỹ thuật mới có hiệu lực thi hành như QCVN 134:2024/BTTTT và QCVN 135:2024/TT-BTTTT... Chẳng hạn, đối với một số sản phẩm tiêu dùng như máy tính xách tay và điện thoại 5G, chi phí thử nghiệm và hợp quy cho điện thoại 5G trước năm 2022 khoảng 70 triệu đồng/model. Chi phí này có giai đoạn tăng lên tới 3 tỷ đồng sau năm 2022 và hiện duy trì ở mức khoảng 1 tỷ đồng. Cùng với đó, thời gian thử nghiệm và làm chứng nhận hợp quy mất từ 6 - 8 tuần. Điều này làm tăng chi phí đầu vào, dẫn tới tăng giá cả đầu ra. Minh chứng là trong năm 2023, số lượng điện thoại 5G được một số hãng đưa ra thị trường chỉ bằng 1/3 năm 2022.

Liên quan đến việc thủ tục công bố hợp quy, ông Nguyễn Hồng Uy - Trưởng nhóm Kỹ thuật thuộc Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng của EuroCham lấy ví dụ vụ 573 nhãn sữa giả được phát hiện gần đây.

Theo ông Uy, hàng trăm sản phẩm đã được cơ quan quản lý cấp giấy đăng ký, trong đó có xác nhận sản phẩm phù hợp với quy chuẩn, tức là chất lượng và an toàn sản phẩm đã được chứng nhận, nhưng thực tế lại là hàng giả. Do đó, Chính phủ cần xem xét bãi bỏ thủ tục này vì làm phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho doanh nghiệp và cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên thế giới, không có nước nào có quy định về thủ tục công bố hợp quy này.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong lĩnh vực nông nghiệp, gần như 100% sản phẩm vật tư đều phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy. Điều này dẫn đến tình trạng ngô nhập khẩu phục vụ chăn nuôi lợn phải làm thủ tục hợp quy (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong khi ngô nhập khẩu là thức ăn cho người (Bộ Y tế quản lý) lại không phải làm thủ tục này.

Tin cùng chuyên mục