Triệt tận gốc các điểm nghẽn cho DN phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bốn tháng đầu năm 2025, số lượng doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục tăng, nhưng số DN rút lui khỏi thị trường cũng đồng thời gia tăng mạnh. Thực tế này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần phải xử lý để tiếp sức cho DN phát triển vững vàng.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 89,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường và 96,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Lê Tiên
Trong 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có hơn 89,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường và 96,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức

Thông tin về tình hình đăng ký gia nhập và tái gia nhập thị trường của DN trong 4 tháng đầu năm 2025, Bộ Tài chính cho hay, cả nước có hơn 89,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 22,5 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tuy vậy, trong 4 tháng đầu năm, có 96,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có hơn 24,1 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Số DN rút lui khỏi thị trường cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chia sẻ tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2025, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm mở rộng thị trường cho DN xuất khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng thủy sản mất rất nhiều công sức. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề trong nước gây khó khăn cho xuất khẩu mãi chưa được khơi thông.

Theo ông Nam, sau khi Nghị định 37/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Thủy sản 2017) có hiệu lực (19/5/2024), ngành hải sản khai thác và đặc biệt các mặt hàng cá ngừ đã gặp vướng mắc lớn liên quan đến quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác và quy định không trộn lẫn nguyên liệu hải sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu. Bất cập này đã kéo dài gần một 1 năm, nhưng đến giờ này việc sửa đổi quy định vẫn rất chậm, DN khó xuất hàng ra nước ngoài, trong đó có thị trường châu Âu.

Ông Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh có nhiều khó khăn mới xuất hiện đến từ chính sách thuế trên trường quốc tế, nhất là từ Mỹ, các DN ngành hàng hải sản đang mong ngóng từng ngày được khơi thông vướng mắc để có thể đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một vài thị trường.

Thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng thực tế nhiều thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, thiếu rõ ràng. Nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc thiếu rõ ràng, thiếu cơ sở khoa học... gây ra các rào cản, làm tăng chi phí tuân thủ đối với DN.

Báo cáo mới nhất của S&P Global cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4/2025 ở mức 45,6 điểm, thấp hơn so với mức 50,5 điểm trong tháng 3/2025 do tác động ngắn hạn của chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất giảm đáng kể.

Theo Cục Phát triển DN tư nhân và kinh tế tập thể thuộc Bộ Tài chính, một khó khăn của DN Việt Nam là do năng lực nội tại của DN còn hạn chế; áp lực cạnh tranh và nhu cầu đổi mới công nghệ, thiết bị, máy móc là lớn, nhưng DN khó tiếp cận tài chính để cải thiện hiện trạng này.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4/2025 ở mức 45,6 điểm, thấp hơn so với mức 50,5 điểm trong tháng 3/2025 do tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Ảnh: Nhã Chi

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 4/2025 ở mức 45,6 điểm, thấp hơn so với mức 50,5 điểm trong tháng 3/2025 do tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Ảnh: Nhã Chi

Cuộc cách mạng từ bên trong

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tổ chức ngày 6/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, trong 4 tháng đầu năm 2025, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều lĩnh vực còn khó khăn, thách thức, tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị đã được ban hành; ứng phó hiệu quả chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ… nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ.

Trước tình hình nhiều DN rút lui khỏi thị trường, đặc biệt là các DN tạm ngừng kinh doanh vẫn ở mức cao, Cục Phát triển DN tư nhân và kinh tế tập thể nhấn mạnh yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, bởi đây sẽ là “chìa khóa” để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trong tầm nhìn chiến lược, ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó định hướng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được giới chuyên gia kinh tế đánh giá là “xung lực mới”, không chỉ mở ra không gian phát triển mà còn tạo dựng niềm tin mạnh mẽ cho DN tư nhân phát triển.

Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Nghị quyết số 68-NQ/TW không chỉ dừng ở những lời kêu gọi hay khẩu hiệu, mà đi vào tận gốc rễ của vấn đề, đó là cải cách thể chế - lâu nay được coi là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, là nguyên nhân sâu xa kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Một loạt giải pháp mạnh mẽ được đưa ra, từ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, số hóa toàn bộ quy trình, đến bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng.

Nghị quyết yêu cầu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ tư duy “xin - cho” sang tư duy phục vụ; khẳng định DN được quyền tự do kinh doanh mọi ngành nghề mà pháp luật không cấm và mọi hạn chế nếu có chỉ được đặt ra vì những lý do thật sự cần thiết và phải được quy định rõ ràng trong luật. “Nếu thực hiện nghiêm túc, đây sẽ là bước đột phá làm thay đổi căn bản môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”, ông Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Cũng theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng, không dừng lại ở cải cách hành chính, Nghị quyết còn đưa ra các chính sách cụ thể hỗ trợ DN tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao, khuyến khích chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu…

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures cho rằng, Nghị quyết là một bản tuyên ngôn cải cách mới của Việt Nam trong thời đại hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. “Nếu như Đổi mới 1986 là bước ngoặt tư duy kinh tế vĩ mô thì Nghị quyết 68 chính là “cuộc cách mạng thể chế từ bên trong”, nơi bộ máy nhà nước tự nhận trách nhiệm, tự cam kết thay đổi và xác lập một quan hệ mới giữa Nhà nước và DN: đồng hành, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau”, ông Chung nhận xét.

Cũng trong ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 56/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 66/NQ-CP…

Với hàng loạt chỉ đạo quyết liệt như trên, nhiều chuyên gia kỳ vọng, DN tư nhân Việt Nam sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức để phát triển xứng tầm.

Tin cùng chuyên mục