Doanh nghiệp gặp khó với quy chuẩn PCCC

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao và kỳ vọng rất nhiều vào việc thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, sản xuất được thuận lợi, thông suốt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phải sớm ban hành hướng dẫn thống nhất, rõ ràng đối với các quy định về PCCC.
Doanh nghiệp kỳ vọng cơ quan chức năng sửa đổi các quy định về phóng cháy, chữa cháy kịp thời, phù hợp với thực tiễn để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Giang Sơn Đông
Doanh nghiệp kỳ vọng cơ quan chức năng sửa đổi các quy định về phóng cháy, chữa cháy kịp thời, phù hợp với thực tiễn để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Giang Sơn Đông

Theo ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương, để khâu thực thi Công điện số 220/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc PCCC hiệu quả, thông suốt và tạo tiến triển trong thực tế thì cần thiết phải làm rõ một số vấn đề cụ thể. Đơn cử, cần làm rõ đối với việc cải tạo công trình cũ, công trình đã xây dựng xong và đi vào vận hành trước khi có Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD (ngày 30/11/2022) về an toàn cháy với nhà và công trình.

“Nhiều DN vận hành công trình cũ, thường có nhiều đợt cải tạo nội bộ nhưng ít khi cải tạo phương án PCCC đi kèm. Trong đợt thanh, kiểm tra cao điểm vừa qua, nhiều DN bị phát hiện sai phạm về PCCC và cần tổ chức khắc phục. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa hướng dẫn rõ biện pháp khắc phục, khiến hàng nghìn DN ở diện “sai phạm” bị đình đốn hoạt động, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh vốn đang ở thời kỳ đặc biệt khó khăn”, ông Trọng nói và cho biết thêm, Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương đã kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện đúng chỉ đạo trong Công điện của Thủ tướng, phải có phân loại các công trình và mức độ rủi ro, sai phạm để có biện pháp khắc phục kịp thời. “Đối với các công trình cũ đã vận hành nhiều năm, giờ chỉ cải tạo 1 phần, cần xác định rõ việc áp dụng quy chuẩn mới chỉ với phần cải tạo, hay phải lập phương án cho toàn bộ công trình. Với các công trình lớn, chỉ cải tạo 1 diện tích nhỏ, việc yêu cầu rà lại để áp quy chuẩn mới cho toàn bộ công trình sẽ bất khả thi”, ông Trọng nhấn mạnh.

Việc thực thi QCVN 06 mới với nhóm công trình xây mới cũng có vấn đề liên quan tới mái tôn và xà gồ, nên không thẩm duyệt được hàng nghìn công trình. Theo đó, vật liệu mái tôn, trên thế giới không cần đốt để kiểm định. QCVN 06 mới yêu cầu đốt, nhưng hiện không có tiêu chuẩn đốt, phải đợi cơ quan chức năng xây dựng tiêu chuẩn và quy trình đốt thì mới thẩm định được.

Đại diện Công ty Liên Anh cho biết, công trình xây dựng chuyển tiếp giữa Quy chuẩn 06 và quy chuẩn trước đây cũng gặp vướng mắc. Cụ thể, DN có công trình thiết kế và xây dựng ở giai đoạn QCVN 06 năm 2021 có hiệu lực, nhưng lại nghiệm thu tại thời điểm QCVN 06 năm 2022 có hiệu lực, nên hầu hết đều “tắc” ở hạng mục sơn chống cháy và bọc bảo vệ kết cấu chịu lực. Đơn cử, việc bọc bảo vệ kết cấu chịu lực (dầm, cột…) theo quy chuẩn cũ thì có thể làm bằng cách phun vữa và bọc thạch cao chịu lực và không cần kiểm định, nhưng theo quy chuẩn mới thì biện pháp không được đề cập và DN áp dụng biện pháp nào thì phải đi chứng minh, thẩm định khả năng chịu lực của phương án đó. Bất cập này gây nhiều khó khăn, chi phí phát sinh đội lên quá khả năng xử lý của DN. “Cần nhất quán về việc thẩm định theo quy chuẩn cũ hay quy chuẩn hiện hành. Giải pháp tính tới có thể là phân loại rủi ro theo các nhóm công trình để có ứng xử phù hợp. Ví dụ phần lớn công trình ở giai đoạn giao thoa này chỉ áp dụng kiểm soát chịu lửa theo quy chuẩn mới tới lớp tường bao công trình, còn bên trong công trình vẫn áp dụng theo quy chuẩn trước đó”, đại diện Công ty Liên Anh nói.

Theo nhiều DN tại Bình Dương, việc thực thi QCVN 06 mới với nhóm công trình xây mới cũng có vấn đề liên quan tới mái tôn và xà gồ, nên không thẩm duyệt được hàng nghìn công trình. Theo đó, vật liệu mái tôn, trên thế giới không cần đốt để kiểm định. QCVN 06 mới yêu cầu đốt, nhưng hiện không có tiêu chuẩn đốt, phải đợi cơ quan chức năng xây dựng tiêu chuẩn và quy trình đốt thì mới thẩm định được. Mặt khác, hiện cả nước chỉ có 1 lò đốt của Viện Tư vấn Xây dựng thuộc Bộ Xây dựng với giá cao, các nhà sản xuất phải xếp hàng mất rất nhiều thời gian và chi phí.

QCVN 06 năm 2022 trao quyền cho đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng chỉ ra trong thiết kế hạng mục nào chịu lực khi cháy, hạng mục nào không chịu lực khi cháy để tiến hành các biện pháp thẩm định, đánh giá. Tuy nhiên, khi DN nộp hồ sơ thiết kế thì cơ quan chức năng hữu trách không duyệt, đề nghị DN phải có ý kiến của 1 cơ quan chuyên môn xác nhận tính “đúng đắn” của phương án thiết kế. Điều này cũng gây tắc vì không có cơ quan chuyên môn nào được giao quyền “cho ý kiến” như yêu cầu.

Các vướng mắc khác gồm: sắp xếp chiều cao hàng hóa và rack - giá đỡ hàng trong nhà xưởng, nhà kho; hiện chỉ có 2 loại sơn sản xuất trong nước được cấp phép sơn chống cháy, sơn nước ngoài chưa có loại nào được cấp phép, khiến lựa chọn của DN rất hạn chế và phải chấp nhận giá cao…

Theo Lãnh đạo Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương, cơ quan chức năng cần sớm xem xét những băn khoăn của DN về QCVN 06 mới, sửa đổi các quy định về PCCC kịp thời, phù hợp với thực tiễn để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Tin cùng chuyên mục