Chênh lệch về tốc độ tăng trưởng là thách thức rất lớn đặt ra cho các DN logistics để đồng hành phát triển cùng các DN thương mại điện tử. Ảnh: Lê Tiên |
Nếu các DN này có sự kết nối mạnh mẽ hơn, chắc chắn hoạt động xuất khẩu thời gian tới sẽ có bước phát triển vượt bậc.
Thiếu liên kết
Logistics và TMĐT đang bùng nổ và là xu hướng phát triển tất yếu. TMĐT phát triển mạnh không thể thiếu dịch vụ logistics. Tại Việt Nam, năm 2017, tốc độ tăng trưởng TMĐT đạt trên 25% và tốc độ này được dự báo tiếp tục tăng trong những năm tới. Đến thời điểm này, hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực TMĐT đã đầu tư vào Việt Nam như: Alibaba, Tenceni… Thế nhưng, tại Hội thảo về logistics và TMĐT với chủ đề: “Đồng hành cùng phát triển” tổ chức sáng 10/4 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, sự kết nối giữa TMĐT và logistics trong các DN Việt Nam còn bộc lộ nhiều điểm khó khăn, bất cập. Thậm chí, dưới góc nhìn của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, đang có tình trạng thiếu sự liên kết giữa DN TMĐT và logistics, làm mất đi cơ hội của DN logistics.
Liên quan đến nội dung này, kết quả khảo sát của Bộ Công Thương với các DN và các đối tượng liên quan đến logistics và TMĐT trên phạm vi cả nước mới đây chỉ ra một số khó khăn lớn tác động tới sự phát triển logistics và TMĐT hiện nay là: Môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường và nguồn nhân lực, công nghệ. Đặc biệt, tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát khá cao trong giá bán trực tuyến, trong khi chất lượng của dịch vụ chuyển phát chưa cao…
Đồng tình với đánh giá trên, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Express nhấn mạnh, Việt Nam đang có tiềm năng cực kỳ lớn về TMĐT và dự báo có tốc độ phát triển rất nhanh. Dưới góc nhìn của mình, ông Thịnh cho rằng, dịch vụ logistics của Việt Nam hiện tại cung cấp cho TMĐT đang ở giai đoạn sơ khai. Gần như vẫn là các DN logistics truyền thống chạy qua sàn TMĐT và mang theo cách vận hành truyền thống. Tuy nhiên, tăng trưởng của TMĐT lại khác tăng trưởng của logistics truyền thống, đặc biệt là về tốc độ tăng trưởng. Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho các DN logistics để đồng hành phát triển cùng các DN TMĐT.
Với mức độ phát triển mạnh mẽ của TMĐT như hiện nay, ông Thịnh khẳng định, ngành logistics nếu không thay đổi để thích ứng thì khó đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Có thể cắt giảm sâu chi phí logistics
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, hiện chi phí logistics của Việt Nam thuộc top cao trên thế giới, chiếm khoảng 20% GDP. Đây là một trong những rào cản tăng năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam, nhất là các DN xuất khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Về vấn đề này, bên lề Hội thảo, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics cho biết, hiện chi phí logistics tại Việt Nam dù đã được cải thiện đáng kể so với các năm trước, nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì vẫn còn cao. Cụ thể, logistics hiện chiếm 16,8% trong chi phí của DN, và trong cấu thành chi phí logistics, chi phí vận tải chiếm tới 50%. Do đó, cần cắt giảm chi phí vận tải qua ứng dụng công nghệ số hóa.
Theo ông Khoa, nếu như cách đây 2 năm chỉ có khoảng 15 - 20% DN trong ngành áp dụng phần mềm số hóa vào vận hành thì nay đã tăng lên 40 - 50%. Con số này là đáng khích lệ, cho thấy DN đã từng bước mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng một nửa DN trong ngành chưa ứng dụng công nghệ hiện đại. “Việc ứng dụng số hóa vào các DN logistics không phải là chi phí mà là một hình thức đầu tư để cắt giảm chi phí”, ông Khoa khẳng định.
Cho rằng có hai cách để phát triển ngành dịch vụ logistics gắn với TMĐT thúc đẩy xuất khẩu, ông Khoa nhấn mạnh, thứ nhất là những DN logistics truyền thống thay đổi cách thức kinh doanh của mình thông qua ứng dụng TMĐT, thứ hai là những startup thành lập ra để đảm nhận vai trò dịch vụ logistics phải chuyên nghiệp hơn.
Liên quan đến cắt giảm chi phí logistics cho DN, Dự thảo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ ban hành trong tháng 4 này dành nội dung khá lớn đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành. Đặc biệt, trong xu hướng phát triển mạnh của TMĐT gắn với ngành dịch vụ logistics hiện nay, khi các giải pháp đề xuất tại Dự thảo Nghị quyết được thực hiện, ông Khoa cho rằng, chi phí logistics có thể cắt giảm sâu xuống mức 12 - 13%, bằng các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.