Doanh nghiệp quan ngại nhiều rủi ro trong giao dịch điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thương mại điện tử ngày càng bùng phát mạnh mẽ, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề mới trong các giao dịch điện tử, đặc biệt có nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến công nghệ cao, đòi hỏi phải có sự quản lý của Nhà nước. Do đó, việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử 2005 là rất cần thiết; trong đó cần sớm bổ sung cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng về chữ ký số, thanh toán điện tử, hóa đơn điện tử…
Toàn cảnh Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Toàn cảnh Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Giao dịch điện tử nhưng dùng chữ ký “sống”

Tại Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) diễn ra ngày 14/7, một trong những bất cập được các doanh nghiệp phản ánh là dù thực hiện giao dịch điện tử nhưng doanh nghiệp gần như vẫn phải dùng chữ ký “sống”.

Cán bộ Phòng Pháp lý thuộc Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam chia sẻ, việc áp dụng chữ ký số hiện có cơ sở pháp lý khá rõ, nhưng hầu như những văn bản đó chưa được cơ quan hải quan và thuế chấp nhận. Do đó, trong các giao dịch điện tử hiện nay, doanh nghiệp chủ yếu vẫn dùng chữ ký "sống". Điều này là rất bất cập, làm mất nhiều thời gian đi lại, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Theo đề xuất của doanh nghiệp này, Ban Soạn thảo Luật Giao dịch điện tử cần quy định rõ ràng những trường hợp được công nhận chữ ký số nước ngoài.

Ông Đoàn Tử Tích Phước - Giám đốc Văn phòng đại diện miền Bắc của Ví MoMo cho rằng, Ban Soạn thảo dự thảo Luật cần để cho các bên tham gia giao dịch có nhiều phương thức giao dịch để lựa chọn.

Theo ông Phước, quá trình thực hiện các giao dịch điện tử của doanh nghiệp cho thấy, nhiều khách hàng đòi hỏi có chữ ký số khi tham gia giao dịch thì mới xác lập được giao dịch đó. Có trường hợp cần chữ ký, có trường hợp yêu cầu chữ ký số, hay các hình thức khác để xác lập giao dịch điện tử. Thực tế, tỷ lệ lỗi của các bên lên tới 15 - 30%. Do vậy, ông Phước cho rằng, cần làm rõ ràng và cụ thể về định nghĩa “xác lập chữ ký điện tử”, trường hợp nào chữ ký số được công nhận.

Phản hồi về những góp ý này, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thuộc Bộ Tư pháp cho rằng, trước tiên cần phân biệt quan hệ dân sự (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) với quan hệ hành chính (cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp). Theo Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, vấn đề vướng mắc hiện nay là làm sao để thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử nước ngoài, cần những tiêu chuẩn gì…

Một vấn đề nữa nhận được nhiều quan tâm là làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp, xử lý các vướng mắc trong giao dịch điện tử.

Theo đề xuất của Luật sư Nguyễn Huy Quang, cần bổ sung cơ sở pháp lý của các phần mềm phục hồi chứng cứ điện tử và tư cách tham gia tố tụng của kỹ sư công nghệ thông tin hoặc các biện pháp công nghệ khác nhằm tạo cơ sở pháp lý để xác định tính khách quan và chính xác của các chứng cứ điện tử. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến công nghệ cao, các tài liệu, chứng cứ điện tử có khả năng bị thay đổi, xóa bỏ. Việc này sẽ tạo tiền đề thúc đẩy việc đánh giá chứng cứ điện tử được minh bạch, chính xác và thúc đẩy quá trình tố tụng được diễn ra nhanh chóng và công bằng.

Văn bản luật cần rõ ràng, thống nhất

Để hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng, Ban Soạn thảo cần tránh quy định chung chung, mơ hồ, không cụ thể, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất.

Chẳng hạn như đối với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, Luật sư Nguyễn Hưng Quang - đại diện Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự cho rằng, Ban Soạn thảo cần quy định cụ thể từng hành vi, để có thể xác định rõ trong thực tế, tránh quy định chung chung như: “gây phương hại đến lợi ích quốc gia” hoặc “nhằm phá hoại, xâm phạm hạ tầng công nghệ, xử lý dữ liệu, hệ thống quản lý dữ liệu”…

Theo đề xuất của ông Quang, các hành vi cần phải nghiêm cấm trong giao dịch điện tử có thể kể đến như: cản trở hoạt động hợp pháp hoặc hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về giao dịch điện tử; lợi dụng hoạt động giao dịch điện tử gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm rối loạn, thay đổi, phá hoại hệ thống điều hành hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại, xâm phạm hạ tầng công nghệ, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; giao dịch điện tử nhằm mục đích chiếm đoạt, lừa đảo người khác để thu lợi bất chính hoặc làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bà Nguyễn Hà My - Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - cho biết, dự thảo Luật quy định: “Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác” sẽ rất dễ phát sinh rủi ro tranh chấp, khó giải quyết, khiến doanh nghiệp “chết đứng” vì khách hàng có thể đưa ra “các hình thức khác” làm doanh nghiệp không kiểm soát được.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023.

Tin cùng chuyên mục