Doanh nghiệp ủng hộ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(BĐT) - Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng ngày 6/10, các thành viên UBTVQH đã thảo luận sôi nổi về Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đa số ý kiến tán đồng về sự cần thiết của việc sớm ban hành Luật.
Chính sách hỗ trợ rất nhiều, nhưng trên thực tế DNNVV không được thụ hưởng. Ảnh: Nhã Chi
Chính sách hỗ trợ rất nhiều, nhưng trên thực tế DNNVV không được thụ hưởng. Ảnh: Nhã Chi

Hỗ trợ DNNVV là nhiệm vụ trọng tâm

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt về Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần xem hỗ trợ DNNVV như một nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý và thực hiện hỗ trợ DNNVV. Việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ bảo đảm các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Còn ông Đỗ Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV thì cho rằng, hiện chính sách hỗ trợ cho DNNVV có rất nhiều nhưng thực tế DNNVV không thụ hưởng được. DNNVV không nhìn thấy mình trong các chính sách đó, nên khó tổ chức thực thi pháp luật. Qua khảo sát trên 50 ngàn DNNVV trong thời gian 60 ngày, tuyệt đại bộ phận DN nhất trí, ủng hộ Dự án Luật, đặc biệt là Chương III với các nội dung: hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh phi chính thức sang chính thức; hỗ trợ đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, hỗ trợ liên kết ngành...

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ sự đồng thuận với Dự án Luật. Theo bà Hằng, cách đặt vấn đề của Dự án Luật là phù hợp với hệ thống pháp luật và theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu của DN, người dân.

Cần nâng chính sách hỗ trợ DNNVV thành luật

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các thành viên UBTVQH là mối quan hệ giữa Dự án Luật với các đạo luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai...; tính tương thích với các điều ước quốc tế...

Trả lời về ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều bộ ngành chưa đồng thuận với Dự án Luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Dự án Luật trình UBTVQH là văn bản chính thức, là kết quả cuối cùng của Chính phủ đã được thống nhất sau nhiều phiên họp. Nghị định số 56/2009/NĐ-CP là bước tiến tốt nhưng không hiệu quả vì quy định chung chung, phân tán, không tách riêng chính sách dành cho DNNVV nên không có nguồn lực để hỗ trợ. Sở dĩ phải nâng lên thành luật là nhằm nâng cao tính pháp lý của các chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, quy định rõ trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong từng giai đoạn phát triển, muốn điều chỉnh hành vi pháp luật thì luật sau phải điều chỉnh lại luật trước để cho phù hợp với thực tế. Nếu phát hiện có mâu thuẫn mà không sửa thì việc ban hành luật mới không có ý nghĩa gì. Muốn cải cách, đổi mới tạo đột phá thì không thể đợi đến lúc đồng thuận hết.

Cho ý kiến về việc sửa các luật có liên quan, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Chính phủ cần kiến nghị rõ cần sửa điều khoản nào của luật nào. Chẳng hạn như Bộ luật Hình sự đang trong quá trình rà soát lại, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV có thể đề xuất sửa ngay nhằm tạo sự nhất quán. Nội dung liên quan đến thuế thì nên quy định trong Luật Thuế hoặc đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Thuế. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, thống kê cụ thể các chính sách hỗ trợ hiện nay trong các đạo luật liên quan; đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cũng như chính sách còn thiếu để hỗ trợ DNNVV.