Doanh nghiệp vẫn mơ hồ về trách nhiệm xã hội

(BĐT) - Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện quan hệ lao động là vấn đề rất cần thiết đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hoàn tất đàm phán và ký kết.
Tuân thủ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một trong những cam kết trong FTA với EU. Ảnh: Lê Tiên
Tuân thủ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một trong những cam kết trong FTA với EU. Ảnh: Lê Tiên

Cần hiểu rõ tầm quan trọng của CSR

Tại Hội thảo “EVFTA: Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện quan hệ lao động”, do Đại sứ quán Thụy Điển và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM tổ chức ngày 12/4/2016, bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, DN Việt Nam nên chú trọng và hiểu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ trách nhiệm xã hội của DN (CSR) theo những cam kết trong EVFTA. Cần phải đảm bảo rằng, không thể đánh đổi gia tăng thương mại bằng những hậu quả về tác động môi trường hoặc vi phạm quyền lao động.

EVFTA là hiệp định thương mại tự do được EU ký kết lần đầu tiên với một nước đang phát triển, sẽ không chỉ giúp gia tăng thương mại, thúc đẩy cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập thị trường EU, mà còn cung cấp cho Việt Nam những cơ hội mới để cải thiện tính bền vững và năng lực lao động. Tuy nhiên, “nhận thức cao của người tiêu dùng sẽ tạo ra áp lực đối với DN nói chung và DN Việt Nam nói riêng trong việc tăng cường những nỗ lực để triển khai hoạt động theo đúng tiêu chuẩn CSR quốc tế nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, bà Camilla Mellander nhấn mạnh.

Bà Kristin Palsson thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết thêm, quan điểm của Chính phủ Thụy Điển là thúc đẩy xuất khẩu và thương mại tự do, song hành với các tiêu chuẩn cao về đạo đức. Chúng ta nên mời cộng đồng DN tham gia đối thoại về những thách thức để đạt được điều này. Năm ngoái Thụy Điển đã khởi động một kế hoạch hành động về kinh doanh và quyền con người. CSR đang trở nên ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế bền vững trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay.

Theo ông Erik Andersson, đại diện của Liên đoàn Lao động Thụy Điển, mấu chốt trong quan hệ lao động chính là sự đồng thuận. Đồng thuận không có nghĩa là các chủ thể luôn luôn đồng ý với nhau, nhưng thông qua quá trình thương lượng hòa bình, họ đạt được thỏa thuận chung mà cả hai bên có thể ký kết và đồng ý. Được biết, Thụy Điển đã có những bước đi quan trọng như yêu cầu các DN nhà nước thiết lập các mục tiêu phát triển bền vững. Các mục tiêu này phải được HĐQT công ty thông qua, tập trung vào các chủ đề như tôn trọng sự đa dạng, các vấn đề môi trường, quyền con người, điều kiện làm việc, các biện pháp phòng chống tham nhũng, đạo đức kinh doanh và bình đẳng giới.

Doanh nghiệp Việt Nam còn quá mới mẻ với CSR

Ở Việt Nam, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 đã quy định quy trình giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề còn tồn tại như năng lực của công đoàn và sự thực thi của bộ luật này trong cuộc sống. Trách nhiệm xã hội của DN ở đâu đó vẫn còn là khái niệm mới mẻ và các DN Việt vẫn đang gặp thách thức để triển khai chương trình trách nhiệm xã hội của mình.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như EVFTA hay TPP tạo điều kiện rất lớn cho DN Việt Nam phát triển, mở rộng thị trường và tìm kiếm bạn hàng. Tuy nhiên, các điều khoản phi thương mại như các điều khoản về lao động, môi trường... cũng đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu DN Việt Nam cần nỗ lực chú trọng nhiều hơn trong thực thi, cũng như trách nhiệm xã hội của DN nhằm thỏa mãn yêu cầu quy định trong nội dung FTA và xa hơn nữa là đảm bảo cho sự phát triển bền vững của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Vì vậy, theo bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Chương trình Better Work Việt Nam, DN Việt Nam nên tích cực hơn trong vấn đề hội nhập, nhất là việc thực thi CSR. Không có cuộc chơi nào miễn phí. Ngoài việc tuân thủ luật pháp Việt Nam, DN còn phải đảm bảo tuân thủ các quy định luật pháp quốc tế, nếu không sẽ đánh mất lợi thế của DN và của ngành. “Tăng cường đối thoại ở các cấp độ khác nhau giữa giới chủ và người lao động. Đừng để khi xảy ra đình công mới đối thoại. Tăng cường liên kết sẽ tạo ra được sức mạnh chung”, bà Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất -Thương mại May Sài Gòn, ở May Sài Gòn, ngoài môi trường làm việc thông thoáng, các vấn đề khác như thoát hiểm, ngộ độc thực phẩm, nước uống, y tế, thậm chí các than phiền của công nhân, luôn được giải quyết kịp thời. CSR là một vấn đề sống còn đối với một DN. Nếu DN nào chú trọng đến CSR thì DN đó sẽ có được lợi thế cạnh tranh tốt, nhất là về thị trường và thu hút nguồn nhân lực. Con người là nhân tố quan trọng đối với bất kỳ một DN nào. Vì vậy, lực lượng lao động cần được đào tạo và đầu tư liên tục.

Tin cùng chuyên mục