Các FTA thế hệ mới là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Ảnh: Huấn Anh |
Ông đánh giá thế nào về những dấu ấn của đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua?
Năm 2022, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới có mức tăng trưởng thấp, kinh tế Việt Nam về đích với GDP ước tăng 8,02%, mức cao nhất giai đoạn 2011 - 2022. Đặc biệt, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó, xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2%.
Ông Hoàng Quang Phòng |
Có thể nói, vị thế của Việt Nam trong thương mại quốc tế những năm gần đây là một minh chứng rõ nét cho sự thành công của chúng ta trong hội nhập kinh tế quốc tế. Chiến lược của Việt Nam đã chuyển từ hội nhập theo chiều rộng (gia nhập WTO, tham gia vào sân chơi thương mại - đầu tư chung với phần lớn các đối tác thương mại trên thế giới) giai đoạn trước sang hội nhập theo chiều sâu (chủ động tham gia các FTA, tạo khung khổ quan hệ thương mại đầu tư ưu tiên riêng giữa Việt Nam với các đối tác FTA). Việt Nam đã chủ động trong việc lựa chọn đối tác, tham gia thiết kế luật chơi, đưa ra các sáng kiến, cam kết mạnh, thậm chí chủ động dẫn dắt sự hợp tác.
Các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKVFTA và gần đây là RCEP đã trở thành “liều thuốc” tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch. Việt Nam hiện nằm trong top 25 nước, vùng lãnh thổ có giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu (xếp hạng của WTO).
Những thành công trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế kể trên có dấu ấn đậm nét của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với đầu mối là VCCI đã tham gia tích cực vào quá trình đàm phán tất cả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tham gia vào quá trình nội luật hóa, thể chế hóa các cam kết FTA. Đến nay, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà nhiều doanh nghiệp còn tiến ra nước ngoài rất mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành công như FPT gây dựng hàng chục cơ sở ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Nhật Bản…; hay “vua tôm” Minh Phú… Nhiều ngành hàng xác lập thứ hạng cao trên bản đồ kinh tế thế giới như vật liệu xây dựng, gỗ, nông sản…
Tính đến nay, Việt Nam có 15 FTA đã ký kết và đang có hiệu lực, trong đó có các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao nhất thế giới.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở bậc nhất thế giới, đâu là cơ hội và thách thức của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2023, thưa ông?
Thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp trong năm 2023 là tình trạng thiếu hụt đơn hàng do nhu cầu thị trường thu hẹp. Tình trạng thiếu đơn hàng, nhất là các đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu diễn ra từ quý IV/2022 và có thể kéo dài sang năm 2023 do xung đột địa chính trị, sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu… Bên cạnh đó, trong nước, lạm phát có khả năng tăng lên trong năm 2023, cộng thêm việc nhiều lao động mất việc làm trong năm 2022, làm ảnh hưởng đến đời sống, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng có thể giảm.
Năm 2023, khó khăn trong việc tiếp cận vốn sẽ vẫn tiếp tục là thách thức lớn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ ngày càng khó tiếp cận các nguồn vốn vay, trong khi các kênh huy động vốn trung và dài hạn như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đang trong quá trình cơ cấu lại sau những trục trặc của năm 2022.
Ngoài ra, chi phí đầu vào cao, thiếu hụt lao động có trình độ, sức ép cạnh tranh khi Trung Quốc mở cửa lại thị trường… là những thách thức khác mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong năm 2023.
Tất nhiên cũng có những tín hiệu lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2023 như kinh tế Mỹ dường như đã tránh được một cuộc suy thoái lớn và Trung Quốc thay đổi chính sách về phòng chống Covid-19. Điều này có thể sẽ tạo đà cho sức bật của kinh tế thế giới.
Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp cần làm gì để biến thách thức thành cơ hội, vượt lên phát triển bứt phá?
Những FTA riêng có của Việt Nam sẽ là một lợi thế để doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội, cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường khu vực và thế giới. Doanh nghiệp cần chủ động thúc đẩy các liên kết, hợp tác trong khuôn khổ các hiệp hội doanh nghiệp để (i) tham gia tích cực vào quá trình hình thành các chính sách thương mại quốc tế; (ii) phản ánh tiếng nói thực tiễn để hoàn thiện cơ chế; (ii) bảo vệ các lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập, đặc biệt chống lại các hiện tượng gian lận, lừa đảo. Đồng thời, cần linh hoạt, chủ động, đầu tư để cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần chú trọng thực hành đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, tạo bản sắc, uy tín trong quá trình hội nhập. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển. Trong thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và phổ biến hệ giá trị đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng, cộng đồng doanh nghiệp cần xác định được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình, đề ra những chiến lược, giải pháp tăng tốc và bứt phá, tạo tiền đề cho phát triển bền vững với khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững phải dựa trên các trụ cột môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh hơn trong quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.