Doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
Giá xi măng trong nước tiếp tục tăng 55.000-80.000 đồng/tấn do áp lực giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng cao.
Doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá

Từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều doanh nghiệp liên tục thông báo điều chỉnh giá xi măng tăng khoảng 55.000-80.000 đồng/tấn. Theo đó, từ ngày 10/5, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn thông báo điều chỉnh tăng giá bán xi măng bao và rời thêm 70.000 đồng/tấn. Tương tự Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai cũng tăng 80.000 đồng/tấn đối với tất cả loại.

Ngày 12-20/5, liên tiếp các công ty xi măng như: Vicem Hoàng Thạch, Tân Thắng, Xuân Thành Quảng Nam, Sông Lam, Luks Việt Nam, Nghi Sơn, cũng thông báo tăng giá bán 55.000-80.000 đồng/tấn (đã bao gồm VAT).

Nguyên nhân được các doanh nghiệp lý giải rằng giá nguyên vật liệu tăng cao như: Than, dầu, thạch cao... dẫn đến giá thành sản xuất tăng, mặc dù họ đã tìm nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Công ty cổ phần xi măng Bỉm Sơn tính toán mức độ ảnh hưởng của giá than tăng lần này đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất của clinker gần 85.000 đồng/tấn, bao PCB30 xấp xỉ 50.000 đồng/tấn, bao PCB40 gần 58.000 đồng/tấn, rời PCB40 công nghiệp trên 65.000 đồngtấn.

Đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ 2 của các doanh nghiệp xi măng nhằm đảm bảo cân bằng hiệu quả sản xuất kinh doanh vì chi phí đầu vào đang tăng cao và nhanh. Trong đợt điều chỉnh tăng giá hồi tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất xi măng đều có mức tăng 100.000-150.000 đồng/tấn sản phẩm.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm, giá xi măng tăng 13,7% so với 5 tháng cùng kỳ năm 2021 và tăng 3% so với quý IV/2021.

Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trong tháng 5, sản lượng tiêu thụ xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước đạt 9,27 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 5,97 triệu tấn; xuất khẩu ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 44,12 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2021.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, năm 2022, ngành xi măng đối diện với áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng. Trong đó, than là nguyên liệu chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành cho sản xuất xi măng.

Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực trước đà tăng giá vật liệu xây dựng như hiện nay, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã có công văn yêu cầu các cơ quan khẩn trương thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu.

Đồng thời, Phó thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình xây dựng nói chung và đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục