Doanh nghiệp xuất khẩu trước áp lực lạm phát toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều thị trường chủ lực như Mỹ, EU… buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu đã và đang ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động kinh doanh quý III/2022 của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, lạm phát kỷ lục tại một số quốc gia khiến tiêu dùng cá nhân trong lĩnh vực thời trang bị thắt chặt. Ảnh: Tiên Giang
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, lạm phát kỷ lục tại một số quốc gia khiến tiêu dùng cá nhân trong lĩnh vực thời trang bị thắt chặt. Ảnh: Tiên Giang

Công ty CP Vicostone vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 với doanh thu thuần bán hàng, cung cấp dịch vụ đạt 1.093 tỷ đồng, mức doanh thu thấp nhất của Công ty kể từ quý III/2018; lợi nhuận trước thuế cũng ở mức thấp so với 21 quý liên tiếp trước đó, đạt 235 tỷ đồng. Trước đó, Vicostone vẫn ghi nhận doanh thu quý I/2022 tăng trưởng và quý II/2022 đi ngang so với cùng kỳ năm 2021.

Vicostone cho biết, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu, nên kết quả kinh doanh của Công ty chịu tác động từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu. Lạm phát gia tăng trên thế giới đang làm xói mòn thu nhập thực tế và mức sống của các hộ gia đình, đồng thời làm giảm tiêu dùng. Là mặt hàng không nằm trong danh mục hàng hóa thiết yếu, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đá của Công ty vì thế sụt giảm. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao khiến hoạt động lĩnh vực bất động sản cũng như nhu cầu mua nhà của người dân bị hạn chế. Qua đó, đơn hàng và doanh thu Công ty sụt giảm tại hầu hết các thị trường, đặc biệt là thị trường chính như Bắc Mỹ và châu Âu.

Tình trạng lạm phát gia tăng làm giảm sức tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU... khiến các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu mặt hàng thiết yếu như dệt may, thủy sản… gặp nhiều thách thức.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, lạm phát kỷ lục tại một số quốc gia, do giá năng lượng và lương thực tăng cao, đã dẫn tới tiêu dùng cá nhân trong lĩnh vực thời trang bị thắt chặt. Lĩnh vực này chỉ còn nằm trong nhóm ưu tiên thứ 5 của người tiêu dùng tại các nước phát triển, sau năng lượng, thực phẩm, y tế - dược và giáo dục. Cùng với đó là hiện tượng quá mua (nhập khẩu quá nhiều) trong quý I/2022 của các chuỗi bán lẻ trên cơ sở dự báo “tươi sáng” ở cuối năm 2021 nay gặp tình thế thắt chặt chi tiêu đột ngột của người tiêu dùng đã làm lượng tồn kho lên mức đỉnh lịch sử. Nhiều hãng bán lẻ lớn như Wallmart, Target... tăng tồn kho tới gần 50% so với bình thường. Điều này bắt buộc toàn chuỗi cung ứng phải dừng đặt hàng khiến số lượng đơn hàng hoãn, huỷ diễn ra ở tất cả các đơn vị của Vinatex.

Tại Hội nghị sơ kết 9 tháng, triển khai kế hoạch quý IV/2022 và dự báo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023, Vinatex cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng hợp nhất ước đạt 1.150 tỷ đồng, vẫn tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, tính riêng trong quý III/2022, tập đoàn này chỉ đạt khoảng 168 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm mạnh so với con số 316,1 tỷ đồng ở cùng kỳ năm ngoái.

Về phía các doanh nghiệp thủy sản, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta nhận định, tình hình lạm phát trên thế giới ngày càng u ám hơn. Các thị trường chính tiêu thụ tôm như EU, Anh, Nhật Bản gặp nhiều bất lợi khi giá đồng Euro, Bảng và Yên xuống thấp khiến sức mua sụt giảm. Trong khi đó, tình hình nuôi tôm trong nước không thuận lợi khiến giá tôm thương phẩm duy trì ở mức khá cao, càng làm tăng thêm bất lợi cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Cùng chung nhận định, Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng cho rằng, lạm phát đang khiến thị trường tiêu thụ thủy sản gặp khó khăn.

Tin cùng chuyên mục