Đổi mới sáng tạo để vươn cao trong kỷ nguyên số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và thực sự trở thành một động lực không thể thiếu trong phát triển khoa học công nghệ nói riêng và chiến lược phát triển quốc gia nói chung, là “chìa khóa” cho phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng tại Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển lớn, song thách thức cũng không nhỏ, theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh ĐMST để bứt phá, vươn xa, bay cao trong kỷ nguyên số và phát triển xanh của nhân loại.

Dấu ấn khai mở con đường sáng tạo

Phát biểu tại sự kiện Ngày hội ĐMST Việt Nam năm 2024, Thủ tướng khẳng định, sau 5 năm thành lập và 1 năm khánh thành cơ sở Hòa Lạc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã từng bước trở thành một trong những đầu tàu về ĐMST.

Đến nay, NIC đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng thể chế, chính sách. Trung tâm đã kết nối, thu hút doanh nghiệp, đối tác từ nhiều quốc gia, cụ thể hóa hoạt động hợp tác thông qua các thỏa thuận, bản ghi nhớ. NIC đã phát triển gồm 10 mạng lưới thành viên và gần 2.000 thành viên tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với 9 lĩnh vực, gồm: công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ môi trường, đô thị thông minh, nhà máy thông minh, công nghệ y tế, hydrogen xanh, nội dung số và an ninh mạng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, NIC đã góp phần đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ĐMST và khởi nghiệp. NIC phát huy vai trò hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt với việc hình thành và phát triển hệ sinh thái ĐMST hoàn chỉnh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ trọng tâm là trí tuệ nhân tạo và bán dẫn, đưa NIC nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành các đối tác tin cậy của các tập đoàn công nghệ và trung tâm ĐMST hàng đầu thế giới như SK Hàn Quốc, Google, NVIDIA, Meta, Samsung…

Ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy ĐMST quốc gia, Báo cáo chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2024 vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố mới đây cho biết, GII của Việt Nam tăng 2 bậc so với cùng kỳ năm trước, xếp xếp hạng 44/133 quốc gia, trong đó có 3 chỉ số đứng đầu thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ khai mạc Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Để ĐMST trở thành động lực cho tăng trưởng đất nước

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thế giới đang biến đổi nhanh, khó lường, đặc biệt sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã dẫn đến những biến đổi sâu sắc với những tác động, ảnh hướng lớn trên phạm vi toàn cầu và đối với từng quốc gia, khu vực.

“Trong bối cảnh đó, ĐMST là một xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược. Với Việt Nam, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới, cũng như đóng góp của Việt Nam đối với quá trình phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, ĐMST là quá trình không ngừng nghỉ, không giới hạn, Việt Nam phải bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong tiến trình ĐMST của nhân loại. Muốn làm được điều này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đó là: tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, ĐMST, bảo đảm tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển; tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

“Thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh và hợp tác, trao đổi quốc tế chặt chẽ, hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Để phát huy hơn nữa vai trò “thắp lửa” cho tương lai ĐMST quốc gia, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo phát huy hơn nữa vai trò của NIC. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, ĐSMT, doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp tục mở rộng mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học về ĐMST, kết nối quốc tế, trên tinh thần đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết…

Đi qua chặng đường 5 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Để NIC không chỉ là nơi kết nối các nguồn lực, mà còn là biểu tượng của tinh thần ĐMST Việt Nam, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương và các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng một hệ sinh thái ĐMST mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Hành trình ĐMST phía trước còn nhiều gian nan, thử thách với những yêu cầu mới đặt ra từ thực tiễn. Song với chủ trương, định hướng của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta có thể tin tưởng vào một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam, vào một tương lai mà khi nhắc đến ĐMST, cộng đồng ĐMST khu vực, thế giới sẽ đề cập ngay đến Việt Nam và NIC là nhân tố dẫn dắt. Qua đó, góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học công nghệ, ĐMST.

Ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta

Việt Nam là một đất nước trẻ với 70% dân số dưới 45 tuổi được hưởng nền tảng giáo dục tốt. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính, Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu về đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật với khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm. Hiện Việt Nam là một trong những thị trường dẫn đầu thế giới về kinh doanh hội thoại (trên ứng dụng Messenger của Facebook) để trao đổi giữa người bán và người mua.

Thời gian qua, Meta đã cung cấp chương trình đào tạo cho khoảng 90.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ để góp phần phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian tới, Meta tiếp tục hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể là mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất của Meta trong năm tới; triển khai trợ lý ảo “Meta AI” bằng tiếng Việt nhằm giúp doanh nghiệp và người dân Việt Nam tiếp cận công cụ này cho nhiều mục đích khác nhau, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ ĐMST...

Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor

Các dự báo cho thấy, những ngành công nghiệp mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn có tốc độ tăng trưởng lớn và có triển vọng đạt quy mô nhiều tỷ USD vào năm 2030. Việt Nam có nhiều tiềm năng để khai thác cơ hội phát triển này. Người Việt Nam không chỉ giỏi về toán mà còn cả vật lý và hóa học. Trong giáo dục, thời gian qua, chúng ta đầu tư nhiều vào khối ngành STEM. Mới đây, Mỹ đã ban hành Đạo luật CHIP đưa 7 quốc gia vào nước hỗ trợ, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ sở để Việt Nam “dấn thân” vào lĩnh vực này.

Về thể chế, chính sách, thời gian qua, chúng ta được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc biệt, việc Thủ tướng ban hành Chiến lược về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành đã mở ra cơ hội lớn để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục