Đổi mới từ chính chúng ta

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trò chuyện với Báo Đấu thầu về mùa xuân mới của đất nước, về nhiệm kỳ mới của Chính phủ, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, đất nước và nền kinh tế đang đứng trước những bước ngoặt vô cùng quan trọng đòi hỏi phải thực hiện công cuộc đổi mới lần 2.
Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển là điểm rất tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới. Ảnh: Lê Tiên
Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển là điểm rất tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới. Ảnh: Lê Tiên

Điểm bắt đầu của quá trình đổi mới chính là những vấn đề của người dân, doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh kinh tế đã hội nhập sâu rộng. Mấu chốt của lần đổi mới này là thay đổi chính bản thân chúng ta để cải thiện các kết nối trong những mối quan hệ đa chiều giữa Chính phủ - DN - người dân - đối tác trong và ngoài nước.

Sau hơn ba thập kỷ Đổi mới, Việt Nam có nhiều đổi thay, sự khác biệt được cảm nhận rõ nét trong mọi góc cạnh của kinh tế - xã hội. Trước một mùa xuân mới của đất nước, một nhiệm kỳ mới của Chính phủ, cảm nhận của ông là gì?

Tôi vừa trở về từ Sơn La và thật sự đọng lại trong lòng cả niềm vui và sự trăn trở. Cuộc sống người dân và kinh tế tỉnh đã cải thiện rất nhiều. Hiện có một số nhà máy hiện đại chế biến hoa quả tươi và thảo dược ở Sơn La đã đi vào hoạt động.

Người dân Sơn La đang trăn trở về cách thức kinh doanh, điều kiện kinh doanh để phát triển DN của mình. Khi biết tôi nghiên cứu về kinh tế và môi trường kinh doanh Việt Nam, nhiều người dân Sơn La đã bày tỏ: “Chúng tôi đã rất nỗ lực học hỏi, phát triển sản phẩm mới nhưng vẫn gặp khó khăn trong tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu”.

TS. Lê Đăng Doanh

TS. Lê Đăng Doanh

Đó cũng là trăn trở của rất nhiều DN Việt Nam hiện nay và nguyên nhân sâu xa vẫn là những rào cản về thể chế, môi trường kinh doanh mà chúng ta đã nghe nhiều trong thời gian qua. Dù điều này đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của cộng đồng DN.

Thực tế, sự phát triển của Việt Nam trong 35 năm qua rất đáng ghi nhận. Công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, so với các nền kinh tế trong khu vực, GDP trên đầu người của Việt Nam mới bằng 1/17 của Singapore và 1/3 của Malaysia, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc để rút ngắn khoảng cách này.

Từ nhiều năm nay, nền kinh tế nước ta tăng trưởng tốt và thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nguồn nhân lực trẻ, khéo tay, thông minh, chi phí lao động thấp và một số ưu đãi về giá thuê đất, miễn giảm thuế. Đến nay, các ưu điểm đó đã được khai thác tới hạn và kinh tế Việt Nam phải chuyển sang tăng trưởng bằng nâng cao hiệu quả, tăng năng suất lao động nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại.

Đáng chú ý, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), các hàng rào thuế quan đã giảm xuống mức rất thấp buộc chúng ta phải cạnh tranh bằng việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, nếu không sẽ phải đối mặt với rủi ro thua cuộc ngay chính trên sân nhà.

Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi để bước sang giai đoạn phát triển cao hơn. Đó phải là một cuộc đổi mới thực sự, đổi mới lần 2.

Người dân và DN luôn là trọng tâm của công cuộc đổi mới. Ở thời điểm này, quá trình đổi mới sẽ khác 30 năm trước bởi không chỉ là vấn đề cơm ăn, áo mặc mà còn là sự thôi thúc phải vượt qua chính mình nếu không sẽ bị tụt hậu, thưa ông?

Bối cảnh và yêu cầu đổi mới của lần này khác với lần trước bởi chúng ta đã hội nhập kinh tế ở một mức độ lớn hơn, đã bước vào sân chơi với nhiều đối thủ đáng gờm hơn và buộc phải tuân thủ nhiều luật chơi hơn.

Giờ đây, chúng ta không còn là người chơi mới nữa mà phải thành thạo luật chơi và tìm cách nâng cao năng lực bản thân để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng. Mặt khác, chúng ta đổi mới trong bối cảnh phải ứng phó nhiều vấn đề kinh tế - chính trị từ nội tại và cả bên ngoài.

Tất cả điều đó chỉ có thể thực hiện được với sự nhất quán từ chủ trương, sự hợp tác của các bên. Do đó, mấu chốt của công cuộc đổi mới lần này là gia cố và phát triển sự kết nối giữa các bên. Đó là sự hợp tác giữa Chính phủ với các nhà khoa học, các DN, người lao động, sự kết nối giữa trong và ngoài nước để làm bền chặt các chuỗi giá trị.

Về khía cạnh DN, Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XIII không nhắc lại quan điểm "kinh tế nhà nước là chủ đạo" mà xác định "kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng", "DN nhà nước tập trung vào lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh" và "đẩy mạnh cổ phần hóa"; "kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao". Đây là điểm rất tích cực, góp phần thúc đẩy đổi mới lần này.

Về năng lực cạnh tranh, trong công cuộc phát triển và hội nhập, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đã từng bước được nâng lên. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2019 đã nâng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam lên 10 bậc và xếp thứ 67/141 nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới công bố xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2020 ở vị trí 70/190 nền kinh tế cho thấy chúng ta không thể tự hài lòng mà cần đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách để nâng cao vị trí trong khu vực và trên thế giới.

Lĩnh vực trọng điểm trong công cuộc đổi mới lần 2 này là thể chế, bộ máy quản lý, hay nói khác đi là đã đến lúc chúng ta phải tự đổi mới chính mình.

Vận dụng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số hóa, đã đến lúc chúng ta phải cơ cấu lại bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng giảm số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy này. Nâng cao vai trò giám sát và kiểm soát quyền lực của Quốc hội và cơ quan dân cử các cấp; được sự hỗ trợ của các cơ quan báo chí, các tổ chức quần chúng phi lợi nhuận là phương thức có hiệu quả để cải cách bộ máy quản lý, ngăn chặn các hiện tượng lạm dụng quyền lực.

Khi đặt vấn đề đổi mới lần hai, hẳn đó phải là một yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi phải bước qua nhiều thử thách để thực hiện, thưa ông?

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực phát triển như vậy, áp lực cạnh tranh ngày càng đòi hỏi năng lực đáp ứng cao hơn và nhanh hơn. Vì vậy, chậm đổi mới sẽ phải trả giá đắt bằng sự tụt hậu về kinh tế, khoa học - công nghệ của đất nước.

Do đó, cần mở ra công cuộc đổi mới lần 2 toàn diện và sâu sắc để tận dụng những cơ hội nêu trên, phát huy mạnh mẽ tiềm năng của dân tộc và đất nước, vượt lên những thách thức kể trên. Hơn bao giờ hết, ổn định không đồng nghĩa với trì trệ. Ổn định kinh tế - xã hội chỉ có thể đạt được bằng sự phát triển năng động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân trong một thế giới hội nhập, vứt bỏ những định kiến lỗi thời, chấp nhận những luật chơi mới một cách đàng hoàng và sòng phẳng.

Nếu trụ vững và vươn lên được trong cuộc chơi này thì đất nước có thể đạt bước tiến mới. Khi đó, các loại nông sản của Sơn La và nhiều tỉnh, thành khác sẽ cùng với rất nhiều hàng hóa thương hiệu Việt dễ dàng đi ra thị trường nước ngoài. Thương hiệu Việt Nam sẽ vững vàng trong cuộc cạnh tranh mới trên thị trường thế giới. Điều đó chỉ trở thành hiện thực khi công cuộc đổi mới lần 2 này được thực hiện thành công.

Tin cùng chuyên mục