Đón sóng đầu tư: Đừng nghĩ “nhà có điều kiện” mà ngồi chờ

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Với làn sóng dịch chuyển đầu tư, triển vọng từ các hiệp định thương mại, đầu tư thế hệ mới, kết quả tích cực của quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cải thiện môi trường kinh doanh..., Việt Nam đang thể hiện sức hấp dẫn trong mắt giới đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao.

Thu hút FDI giai đoạn tới tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Thu hút FDI giai đoạn tới tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều cơ hội mới

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong bối cảnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020, nhưng kết quả thu hút FDI trong 11 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan với tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, trong đó vốn tăng thêm đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,8%.

"Xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế", Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thuộc Bộ KH&ĐT đánh giá. Theo Cục ĐTNN, hiện vẫn có rất nhiều nhà ĐTNN quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam, nhưng đại dịch Covid-19 khiến việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án ĐTNN bị ảnh hưởng.

Nhiều cơ hội đón sóng đầu tư nước ngoài dịch chuyển đang mở ra với Việt Nam khi là quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhiều lợi thế cạnh tranh sẵn có, cùng những cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và vị thế trên trường quốc tế ngày càng tăng. Các hiệp định EVFTA, CPTPP và nhiều hiệp định thương mại tự do khác sẽ đem lại lợi thế về tiếp cận thị trường khi Việt Nam có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20. Đặc biệt, Hiệp định RCEP vừa được ký kết sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới…

Tại cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng mới đây, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair chia sẻ, Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với nhiều quốc gia. Đối với Chính phủ Anh, Việt Nam được coi là 1 ưu tiên hàng đầu hiện nay. Việt Nam đang hướng tới FDI chất lượng cao hơn và nhiều doanh nghiệp Anh rất quan tâm, sẵn sàng đầu tư nếu Việt Nam tạo ra sự hấp dẫn, thu hút hợp lý.

Còn cựu Phó Thủ tướng CHLB Đức Philipp Rosler đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong thu hút đầu tư chất lượng cao từ châu Âu trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển, đồng thời chia sẻ nhiều doanh nghiệp châu Âu đang có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Chủ động, tích cực hành động

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam nhận thức được thu hút FDI giai đoạn tới phải có sự thay đổi và đã chủ động định hình chiến lược tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam…

Cùng với chủ động định hình lĩnh vực, thời gian qua, nhiều luật liên quan đến đầu tư - kinh doanh như: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được thông qua với nhiều điểm mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tăng cường phân cấp, minh bạch, đa dạng hoá các hình thức đầu tư. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật Đầu tư, có hiệu lực từ 1/1/2021, bổ sung cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn đáp ứng các tiêu chí, mục tiêu mà Việt Nam mong muốn, có đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam... Đây chính là một trong những công cụ chính sách quan trọng để Việt Nam đón sóng đầu tư mới một cách chủ động, tích cực.

Trên thực tế, để đón dòng đầu tư đang dịch chuyển, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài đã được thành lập, nhiều hoạt động quan trọng được tiến hành. Trong thời gian qua, dù ảnh hưởng bởi dịch, nhiều cuộc tiếp xúc với các tập đoàn lớn, nhiều cuộc xúc tiến đầu tư vẫn được tổ chức theo hình thức trực tuyến…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cuộc đua thu hút FDI trong “kỷ nguyên” Covid-19 rất khốc liệt, phải tích cực, chủ động hành động. Đừng nghĩ “nhà có điều kiện” thì nhà đầu tư sẽ tự vào, mà phải đeo bám từng lĩnh vực, từng nhà đầu tư, tháo gỡ từng vướng mắc…

Ông Tony Blair thì khuyến nghị, cùng với việc thay đổi một số quy định không còn phù hợp, Việt Nam cần tích cực quảng bá về chiến lược thu hút mới, cho giới đầu tư quốc tế thấy rằng Việt Nam sẵn sàng và mong muốn thu hút đầu tư về công nghệ.

Tin cùng chuyên mục