Tạo ưu thế mới để đón sóng FDI dịch chuyển

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Cải thiện môi trường kinh doanh là chìa khóa để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) dài hạn và bền vững. Đồng thời, đây phải là cuộc chơi win - win (cùng thắng), cần gắn thu hút FDI với tiêu chí công nghệ, môi trường, đặc biệt là cam kết hợp tác đưa doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cả nước thu hút được được 23,48 tỷ USD vốn FDI trong 10 tháng năm 2020. Ảnh: Lê Tiên
Cả nước thu hút được được 23,48 tỷ USD vốn FDI trong 10 tháng năm 2020. Ảnh: Lê Tiên

Không nên tiếp tục cạnh tranh xuống đáy

Tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, dòng vốn FDI vào Việt Nam gia tăng cho thấy, niềm tin vào nền kinh tế được khôi phục sau đợt bùng phát dịch vào tháng 7, tháng 8. Khi làn sóng Covid-19 thứ hai được kiểm soát thành công, FDI đạt khoảng 2,27 tỷ USD trong tháng 10. Trong 10 tháng, thu hút được 23,48 tỷ USD vốn FDI, thấp hơn khoảng 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một thành tựu nổi bật, do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo dòng vốn FDI vào các nước Đông Á giảm 30 - 45% trong năm 2020.

Ông Glenn Hughes, Trưởng đại diện Tập đoàn Logos tại Việt Nam đánh giá, sự kết hợp của nhiều yếu tố giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn, như định hướng thu hút, địa thế trung tâm của Việt Nam tại ASEAN và trên thế giới, quá trình công nghiệp hoá, nhu cầu trong nước và những ưu đãi của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 cũng đang tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Những ưu thế, cơ hội cho Việt Nam là rõ ràng, tuy nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan… cũng đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam để đón dòng dịch chuyển FDI. Câu chuyện cạnh tranh xuống đáy hay cuộc đua để dẫn đầu giữa các nước trong khu vực ASEAN tiếp tục được nhiều chuyên gia đặt ra để lựa chọn những ưu tiên, giải pháp phù hợp.

Theo nghiên cứu vừa công bố của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các quốc gia khối ASEAN đã cạnh tranh nhau trong cuộc đua xuống đáy bằng cách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế rất lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia mà không đem lại lợi ích thực sự. Mức thuế suất TNDN trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020. Ngoài việc cắt giảm thuế suất thuế TNDN, việc áp dụng các ưu đãi lớn khác dựa trên lợi nhuận để thu hút FDI, như ân hạn thuế, cũng rất phổ biến ở quốc gia ASEAN. Chi phí của các ưu đãi thuế dư thừa có khả năng vượt quá lợi ích mà FDI mang lại.

Theo VEPR, những ưu đãi thuế và phi thuế không hẳn có hiệu quả thiết thực trong việc thu hút dòng vốn FDI. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các chỉ số về môi trường kinh doanh, cụ thể là ổn định kinh tế, ổn định chính trị, thị trường nội địa, tính minh bạch của khung pháp lý và sự sẵn có của lao động có tay nghề cao đóng vai trò then chốt nhất trong quyết định địa điểm đầu tư của các công ty đa quốc gia. Các quốc gia thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả có nhiều khả năng thành công hơn trong việc khuyến khích FDI, đặc biệt là FDI liên quan đến tài sản dựa trên nguồn vốn tri thức. Chất lượng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là mật độ các con đường chất lượng cao, cũng là một trong những yếu tố chính quyết định FDI. “Cạnh tranh về môi trường kinh doanh là cuộc đua để dẫn đầu, cạnh tranh về các ưu đãi thuế và đất đai là một cuộc đua xuống đáy… Thu hút FDI cần đi cùng với đạt được nguồn thu ngân sách từ thuế bền vững, nhằm đầu tư cho giáo dục, y tế và các dịch vụ công thiết yếu khác để giảm nghèo đói và bất bình đẳng”, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.

Dự báo Việt Nam sẽ hưởng lợi với dòng vốn trung và dài hạn, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, Việt Nam cần thu hút FDI thông qua hạ tầng, năng lực chính sách và lao động chất lượng cao, thay vì các ưu đãi tài chính như trong giai đoạn trước đây.

Thu hút FDI phải là win - win

Xác định Việt Nam đã ở vị thế mới để có sự chọn lọc dòng vốn FDI, các chính sách thu hút FDI mới đây đã thể hiện rõ chủ trương thu hút FDI có chọn lọc, không thu hút bằng mọi giá và đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020 diễn ra tuần qua, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, quan điểm thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài phải là win - win, gắn với tiêu chí công nghệ, môi trường, đặc biệt là cam kết hợp tác đưa doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Chính phủ đã và đang chuẩn bị tích cực đón dòng vốn FDI dịch chuyển, như chuẩn bị đất khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực ở 2 cấp độ quản lý và người lao động có tay nghề cao; đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ với Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam trong thời gian qua tích cực sửa đổi các chính sách, như Luật Đầu tư sửa đổi với những thủ tục được cắt giảm và ưu đãi hơn rất nhiều. Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng. Vừa qua Tổ công tác đã làm việc rất tích cực với các nhà đầu tư và đến nay có nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư rất lớn vào Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục