Phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện là một trong những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện thời gian tới. Ảnh: Lê Tiên |
Đại diện các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện các dự án hạ tầng, trong đó, tính đến giải pháp huy động vốn trong dân, giao việc cho các doanh nghiệp trong nước có năng lực tốt thực hiện.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước.
Với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở một số định hướng và giải pháp. Trong đó, đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng trong tiếp cận nguồn lực và chính sách hỗ trợ, không phân biệt các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường rà soát, sửa đổi ngay các quy định, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, tham vấn chặt chẽ ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại tổng hợp WinCommerce - thành viên Tập đoàn Masan nhận định, các chính sách, chủ trương và hành động của Chính phủ đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ và quan trọng cho nền kinh tế. Một trong những hành động có ảnh hưởng lớn là sự chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ nguồn lực của Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ nhằm tập trung đầu tư cao cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược trên khắp đất nước.
“Với hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là mạng lưới đường cao tốc sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển, giảm chi phí logistics và nâng cao tính cạnh tranh. Chuỗi cung ứng hiệu quả này không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định mà còn giúp giảm bớt gánh nặng chi phí vận chuyển, giúp mang sản phẩm chất lượng cao và chi phí hợp lý đến tay người tiêu dùng”, bà Phương chia sẻ.
Từ góc độ ngành du lịch, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị, cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng du lịch, giao thông vận tải, tăng cường vận chuyển đường sông và đường biển để phục vụ phát triển du lịch, bởi đây là yếu tố rất quan trọng để kết nối các điểm du lịch giữa các địa phương của Việt Nam và giữa Việt Nam với thế giới,
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, đặc biệt là 2 “siêu” dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo. Trong đó, hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ, chẳng hạn việc hoàn thành giai đoạn 1 Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã thực sự thay đổi căn bản vị thế của các địa phương, đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho doanh nghiệp, người lao động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện một số doanh nghiệp tại buổi gặp mặt nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Ảnh: Quý Bắc |
Trong thời gian tới, Chính phủ vừa thực hiện giai đoạn 2 của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, vừa nghiên cứu triển khai Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Một thách thức đặt ra là nguồn vốn để thực hiện các dự án, làm sao để đúng tiến độ, hiệu quả và đặc biệt là tiết kiệm chi phí hợp lý.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét có một đề án về thu hút nguồn vốn trong nhân dân để phục vụ 2 dự án nêu trên, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn, khuyến khích người dân tham gia.
Bên cạnh đó, ông Thân cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tổ chức triển khai và kiểm soát các dự án lớn, do đó kiến nghị Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...).
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện thời gian tới, có nhiệm vụ chú trọng kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Đồng thời, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị của đất đai.
"Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được, cân, đong, đo, đếm được", Thủ tướng nhấn mạnh.