Đồng bộ chính sách về thu hút đầu tư

(BĐT) - Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đầu tư và các luật liên quan là mối quan tâm rất lớn của nhiều đại biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa diễn ra tại TP.HCM. Theo đó, sự đồng thuận của các cơ quan tham mưu ban hành chính sách là vô cùng quan trọng.
Môi trường đầu tư đã có những chuyển biến thuận lợi, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm gần đây tăng mạnh. Ảnh: Lê Tiên
Môi trường đầu tư đã có những chuyển biến thuận lợi, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm gần đây tăng mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ rệt

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng cho biết, trong những năm qua, các đạo luật này đã liên tục được hoàn thiện, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh doanh trong từng thời kỳ.

Đặc biệt, những nội dung bổ sung, sửa đổi toàn diện của các luật này được Quốc hội thông qua năm 2014 đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành nghề mà luật không cấm. Đồng thời, xóa bỏ nhiều rào cản kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Cũng theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, sau 4 năm thi hành, các đạo luật này đã đi vào cuộc sống, khẳng định tinh thần sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp. Môi trường đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến thuận lợi, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 3 năm gần đây tăng khoảng 65 - 70%, đạt mức cao nhất 20 năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định nhằm thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các nghị quyết của Đảng. 

Đồng thuận vì một môi trường đầu tư thông thoáng

Ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được cũng đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định do còn một số nội dung chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường. Cùng với đó, đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực và vấn đề mới phát sinh. Ban soạn thảo nhận được rất nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về những bất cập, thiếu đồng bộ này và coi đây là một trong những rào cản lớn nhất cần được xóa bỏ trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư.

Theo Bộ KH&ĐT, đối với một số nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Chính phủ thống nhất theo hướng phân định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng của dự án luật này. Từ đó, tháo gỡ triệt để các vướng mắc, thiếu đồng bộ với các quy định về đất đai, xây dựng, nhà ở, đấu thầu, quy hoạch, đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP. Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng bổ sung quy định để làm rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thầu.

Để có thể xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, Ban soạn thảo nhận thấy có rất nhiều điểm cần thống nhất giữa Luật Đầu tư với Luật Chứng khoán, Luật Dầu khí, Luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đất đai… Do đó, sự đồng thuận của các cơ quan tham mưu ban hành chính sách này vô cùng quan trọng.

Đại diện Công ty TNHH MTV Phát triển Tân Thuận, ông Phạm Phú Quốc, khẳng định, rất tâm đắc với phần ưu đãi đầu tư trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo đó, mở rộng cơ chế khuyến khích đầu tư để thu hút đầu tư có chọn lọc dựa trên kết quả đầu ra, khuyến khích đầu tư nghiên cứu và phát triển, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, dự án đầu tư của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. “Ban soạn thảo đã bổ sung ưu đãi vượt trội, linh hoạt đối với các dự án có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, gồm: dự án có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên; dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm. Điều này cho thấy chất lượng của dòng vốn đầu tư trong thời gian tới được coi trọng hơn hết”, ông Quốc cho biết.

Về quy định đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài, các ý kiến cho thấy cần bảo đảm quản lý nhà nước đối với hoạt động này, nhất là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, chủ động trong quản lý các nguồn lực đầu tư trong nước, bảo đảm an ninh tiền tệ, phòng chống rửa tiền. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.