Đồng bộ, kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - So với những tháng đầu năm, tháng 6/2023 ghi nhận những tín hiệu tích cực khi số doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt mức cao nhất. Tuy vậy, đời sống DN vẫn chồng chất khó khăn, thách thức, đòi hỏi các giải pháp hỗ trợ về vốn, tháo gỡ khó khăn thị trường cần được triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện để kích hoạt sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.
Trong tháng 6/2023, cả nước có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,8% so với cùng kỳ 2022; 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 215%. Ảnh: Lê Tiên
Trong tháng 6/2023, cả nước có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,8% so với cùng kỳ 2022; 7.098 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 215%. Ảnh: Lê Tiên

Tín hiệu tích cực trong khó khăn

Thông tin về thực trạng đăng ký doanh nghiệp (DN) tháng 6 và 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tình hình gia nhập và tái gia nhập thị trường của DN bắt đầu có những tín hiệu tích cực.

Cụ thể, trong tháng 6/2023, cả nước có 13.904 DN đăng ký thành lập mới, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm chỉ có hơn 75.870 DN được thành lập, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, số vốn đăng ký của DN thành lập mới giảm tới 19,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 6/2023, 7.098 DN đã quay trở lại hoạt động tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022. Số DN quay trở lại hoạt động tăng ở một số lĩnh vực, như y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông…

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, 6 tháng đầu năm, có hơn 113.000 DN thành lập mới và quay trở lại thị trường, bình quân mỗi tháng gần 19.000 DN.

Cũng trong thời gian này, cả nước ghi nhận 100.026 DN rút lui khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng là 16.600 DN. “Con số này đã giảm so với mức bình quân 5 tháng đầu năm (17.600 DN) và 4 tháng đầu năm (hơn 19.000 DN). Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh hoạt động của các DN còn gặp nhiều khó khăn”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhìn nhận.

Sự suy yếu của DN được thể hiện rõ nét qua khả năng hấp thụ vốn. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng đang chậm lại, đến 15/6/2023 chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, chưa bằng 1/4 mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm (14 - 15%). “Tín dụng tăng trưởng chậm cho thấy DN gặp khó, hàng tồn kho nhiều, đơn hàng suy giảm dẫn đến nhu cầu vốn giảm sút…”, ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhìn nhận.

Cũng theo ông Lộc, sức sống của DN chính là yếu tố cốt lõi để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, ông Lộc đề nghị, Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là khả năng hấp thụ vốn. “Trong bối cảnh hiện nay, cần cố gắng đơn giản thủ tục, tạo thuận lợi, minh bạch thúc đẩy dòng vốn chảy vào DN, nhất là những DN có tiềm năng”, ông Lộc đề nghị và cho rằng, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhanh 1 ngày có thể giúp cho DN hồi phục, phát triển; chậm 1 ngày có thể đẩy DN vào tình trạng khó khăn. Vì thế, thời gian tiếp cận nguồn vốn tín dụng là rất quan trọng và đôi khi lại là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của DN.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở một số lĩnh vực như y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông… Ảnh: Lê Tiên

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng ở một số lĩnh vực như y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông… Ảnh: Lê Tiên

Giải pháp cần thấm nhanh vào doanh nghiệp

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho rằng, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng hỗ trợ DN và nền kinh tế. Tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội tháng 6/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu ra một loạt yêu cầu như: kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy định về phòng cháy chữa cháy; bảo đảm ổn định nguồn điện cho sản xuất, kinh doanh; tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành… “Điều này cho thấy, Quốc hội rất sát sao, quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển”, ông Nam nhìn nhận. Đại diện VINASME mong mỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng đưa các giải pháp vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Trong báo cáo mới nhất về kinh tế 6 tháng đầu năm, Công ty Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra 3 thách thức lớn, đó là xuất khẩu suy giảm do nhu cầu thế giới phục hồi yếu; lạm phát và lãi suất vẫn ở mức cao so với khả năng tạo lợi nhuận của DN; khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục kéo dài, làm nghẽn sự chu chuyển dòng vốn của nền kinh tế và khiến đầu tư co hẹp lại. Bên cạnh đó, nền kinh tế cũng có 3 động lực đáng kỳ vọng, đó là lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích thích tiêu dùng nội địa. MBS cho rằng, nếu chính sách hỗ trợ tăng trưởng thấm nhanh vào nền kinh tế sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những thách thức. Tuy nhiên, nếu các giải pháp không kịp thời, nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng năm 2023 sẽ dưới 6%. Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đây cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ mức 6,5% xuống còn 6,2%.

Tin cùng chuyên mục