Đông Nam Bộ “đau đầu” với bài toán giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -Điều chuyển kế hoạch vốn tập trung cho các dự án giải ngân cao, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, hay phát động chiến dịch “60 ngày chạy nước rút” giải ngân đầu tư công là các động thái mới nhất của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2023. Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, 3 địa phương lớn này còn hơn 65.747 tỷ đồng chưa giải ngân. Giải ngân chậm trở thành điểm trừ trong bức tranh kinh tế đang trên đà phục hồi của đầu tàu Đông Nam Bộ.
Nhiều dự án hạ tầng tại Đông Nam Bộ gặp vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương. Ảnh: Như Nguyệt
Nhiều dự án hạ tầng tại Đông Nam Bộ gặp vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương. Ảnh: Như Nguyệt

Báo cáo mới nhất về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 9 tháng, ước thực hiện 10 tháng năm 2023 cho thấy, tỷ lệ giải ngân của 2 trong 3 địa phương nêu trên nằm ở nhóm trung bình thấp. Cụ thể, ước thanh toán vốn NSNN đến ngày 31/10 của Bình Dương là 11.842 tỷ đồng, đạt 53,41% kế hoạch; Đồng Nai là 5.384 tỷ đồng, đạt 41,54% kế hoạch. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ giải ngân bết bát, nằm trong nhóm 3 địa phương giải ngân thấp nhất cả nước. Theo Bộ Tài chính, TP.HCM mới giải ngân được 22.676 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 32,16% kế hoạch, khác biệt so với con số 35% (tính đến ngày 16/10) do UBND TP.HCM công bố trước đó. Theo nguồn số liệu này thì trong những tháng còn lại, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cần phải giải ngân lượng vốn khổng lồ, hơn 65.747 tỷ đồng.

Hội nghị chuyên đề về giải ngân đầu tư công TP.HCM mới đây đưa ra nhiều giải pháp cho chặng đường 2 tháng còn lại với chiến dịch “60 ngày chạy nước rút”. Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đến ngày 16/10 có tới 18 chủ đầu tư chưa giải ngân đồng nào dù năm 2023 được giao hơn 5.900 tỷ đồng. Dự kiến có tới 233 dự án giải ngân dưới 95% với số vốn không thể giải ngân hơn 19.500 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm được liệt kê gồm: vướng giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục điều chỉnh quy hoạch chậm, nhà thầu thi công không đủ năng lực, giá trị quyết toán thực tế thấp hơn dự kiến đăng ký vốn, thủ tục quyết toán chậm.

TP.HCM đang tính toán điều chuyển, bổ sung vốn giữa các chủ đầu tư và các dự án cùng chủ đầu tư, phấn đấu tỷ lệ giải ngân không thấp hơn 80%. Ngoài ra, khâu bồi thường, GPMB đang được 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức tập trung vận dụng chính sách hỗ trợ tốt nhất để giải ngân gần 27 nghìn tỷ đồng bố trí cho công tác này.

Năm nay, tổng kế hoạch vốn của TP.HCM là 70.518 tỷ đồng, hiện còn hơn 47.842 tỷ đồng chưa được giải ngân. Theo nhận định của lãnh đạo TP.HCM, mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn trong năm nay sẽ khó đạt.

Cũng có kế hoạch vốn lớn và đối mặt với tình trạng giải ngân chậm, Bình Dương đang tiếp tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công. Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của địa phương này lên tới 22.172 tỷ đồng, lớn nhất từ trước tới nay. Để thúc đẩy giải ngân, Bình Dương chọn giải pháp điều chỉnh linh hoạt kế hoạch đầu tư công. Tỉnh vừa ban hành Nghị quyết điều chỉnh 18.675 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, tập trung vào các dự án trọng điểm tại các huyện, thị xã, thành phố có khả năng hấp thụ vốn nhanh. Trước đó, đầu tháng 9/2023, Bình Dương đã chuyển 2.421 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương từ dự án giải ngân chậm sang dự án giải ngân nhanh.

Trong cuộc họp mới đây, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ngành ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công. Trong đó, rút ngắn thời gian thẩm định, trình phê duyệt để thi công dự án và kịp giải ngân vốn. Theo dự báo, sau điều chỉnh, khả năng Bình Dương có thể đạt tỷ lệ giải ngân 92,4% kế hoạch năm 2023.

Tại Đồng Nai, theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện có 21 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, trong đó 3 đơn vị chưa giải ngân đồng nào, 7 đơn vị giải ngân dưới 10%. Ở cấp huyện, có 6 đơn vị địa phương giải ngân đạt thấp, trong đó có huyện trọng điểm là Long Thành. Bên cạnh đó, có tới 30 dự án hạ tầng có vốn kế hoạch lớn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngoài GPMB, các dự án còn vướng mắc khác do chủ quan của các chủ đầu tư như: quy hoạch, khâu phối hợp trong thực hiện các thủ tục đầu tư dự án chưa tốt.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đồng Nai tập trung huy động nguồn khai thác đấu giá đất khoảng 45 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên mới huy động được 5.614 tỷ đồng, dự kiến không thu đủ để đáp ứng nhu cầu vốn, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch đầu tư trung hạn.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính tới ngày 31/10, tỉnh Đồng Nai còn 7.575 tỷ đồng chưa thể giải ngân trên tổng số 12.958 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023. Trong cuộc họp với các chủ đầu tư mới đây, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án để đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt từ 80 đến 95% trong năm nay, trong đó phải giải ngân 100% vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vì nguồn này sẽ hết hạn vào cuối tháng 12/2023.

Hiện một số dự án hạ tầng giao thông lớn, có tính chất liên vùng mà TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tham gia là Vành đai 3 - TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đều có tiến độ chậm, cũng làm ảnh hưởng lớn tới kết quả giải ngân của các địa phương. Cụ thể, Dự án thành phần (DATP) 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu do tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản mới giải ngân được 156,14 tỷ đồng trên tổng số 1.324 tỷ đồng vốn kế hoạch (đạt 11,8%). Các DATP 1, 2, 5 thuộc Dự án Vành đai 3 - TP.HCM do TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đóng vai trò cơ quan chủ quản mới giải ngân được lần lượt 20,3%; 27,2% và 21,2%, trong khi vốn kế hoạch năm 2023 bố trí cho các DATP này khoảng 8.827 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục