Đồng Tháp gấp rút chuẩn bị đầu tư cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã chọn xong tất cả các gói thầu tư vấn, triển khai cắm hơn 1/3 mốc phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB), tỉnh Đồng Tháp đang tăng tốc thực hiện các khâu chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1). Trước đó, Đồng Tháp đặt quyết tâm khởi công Dự án vào cuối tháng 4/2023.
Giai đoạn 1, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Giai đoạn 1, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 5.886 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian từ năm 2022 đến hết năm 2027. Dự án có chiều dài tuyến khoảng 27,43 km, có điểm đầu giao với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), điểm cuối giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Giai đoạn 1, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h.

Theo quyết định của Thủ tướng về phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường cao tốc. Tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài khoảng 16 km, có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 3.640 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng 458 tỷ đồng.

Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp cho biết, xác định cao tốc Cao Lãnh - An Hữu là công trình giao thông trọng điểm, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế- xã hội nên Tỉnh đang dồn lực triển khai các khâu chuẩn bị đầu tư Dự án. Đối với Dự án thành phần 1, Đồng Tháp đã hoàn thành hồ sơ thiết kế cơ bản và từ ngày 4/10/2022 bắt đầu triển khai cắm mốc (cọc bê tông) GPMB đợt 1. Đến hết ngày 12/10/2022, các cơ quan hữu trách đã cắm được 226 trên tổng số 455 cọc thuộc 3 xã Nhị Bình, Mỹ Thọ, Mỹ Hội (huyện Cao Lãnh) với tổng chiều dài tuyến khoảng 5,1 km trên tổng 14,32 km. Đồng thời, bàn giao chiều dài tuyến đã cắm mốc cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để thực hiện các bước đền bù, hỗ trợ thu hồi GPMB.

“Chúng tôi đang triển khai cắm mốc tại xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh). Dự kiến ngày 20/10/2022 hoàn thành công tác cắm mốc GPMB đợt 1 để tiếp tục bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện GPMB”, ông Bảo nói và cho biết, tình hình triển khai các bước chuẩn bị đầu tư rất khẩn trương. Ngày 6/8/2022, Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp (đơn vị được giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi) đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1) gồm 7 gói thầu tư vấn. Hiện tại, Đồng Tháp đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu cho cả 7 gói thầu, bao gồm: Tư vấn lập nhiệm vụ khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; Tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; Tư vấn giám sát khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi; Tư vấn lập nhiệm vụ khảo sát đánh giá tác động môi trường; Tư vấn khảo sát, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và Tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi. Tỉnh cũng đã báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ về Dự án với cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải.

Theo Sở Giao thông vận tải Đồng Tháp, công tác phối hợp với tỉnh Tiền Giang (cơ quan chủ quản Dự án thành phần 2) cũng được quan tâm để bảo đảm tính đồng bộ toàn Dự án. Theo đó, Sở đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang (Chủ đầu tư Dự án thành phần 2) để thỏa thuận quy mô các hạng mục về tĩnh không thông thuyền, đường chui, hầm chui qua cầu, cống, đường gom dân sinh… do tỉnh Tiền Giang thực hiện.

Ông Lê Hoàng Bảo cho biết thêm, thời gian tới sẽ tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm để trong tháng 12/2022 trình UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Dự án. Để đáp ứng mốc thời gian này, Đồng Tháp đang đốc thúc nhà thầu triển khai nhanh các gói thầu tư vấn. Dự kiến cuối tháng 10/2022 sẽ báo cáo cuối kỳ và trong tháng 11/2022 sẽ trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định Dự án. Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải tiếp tục dồn lực triển khai công tác cắm mốc để sớm bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thực hiện bồi thường, GPMB. Dự án nhận được sự đồng thuận cao từ người dân, tuy nhiên khâu cắm mốc GPMB gặp một số khó khăn, vì đang trong cao điểm mùa nước nổi kết hợp triều cường.

Tin cùng chuyên mục