Đồng thuận cao về đề xuất chính sách gia hạn nộp thuế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước và Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế TTĐB đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tại Dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng (GTGT) quý I/2022 và từ tháng 3/2022 đến tháng 5/2022; Gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2022 và quý II/2022; Gia hạn 4 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7/2022; gia hạn 3 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8/2022.

Đối với thuế TNDN, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TNDN tạm nộp của quý I, quý II kỳ tính thuế TNDN năm 2022; thời gian gia hạn là 3 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Đối với hộ - cá nhân kinh doanh, thời hạn nộp thuế GTGT, TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2022 chậm nhất là ngày 31/12/2022.

Đối với tiền thuê đất, thuê mặt nước, Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đối với 50% số tiền thuê đất, thuê mặt nước phát sinh phải nộp năm 2022 của DN, tổ chức, hộ - cá nhân kinh doanh đang được Nhà nước cho thuê đất, thuê mặt nước trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền hàng năm. Thời gian gia hạn được đề xuất là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2022.

Bộ Tài chính tính toán, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, mặt nước được gia hạn ước khoảng 125.300 tỷ đồng.

Tại Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế TTĐB đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính dự kiến gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế TTĐB phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9 của năm 2022 đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TTĐB theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Cụ thể, thời hạn nộp thuế TTĐB phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8 và 9/2022 chậm nhất là ngày 20/11/2022.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), việc gia hạn thời hạn nộp thuế sẽ giúp DN có thêm luồng tiền để khôi phục sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, việc thực hiện các chính sách gia hạn thuế không làm cho tổng số thu ngân sách nhà nước của năm 2022 giảm, bởi các DN phải thực hiện nộp thuế trước ngày 31/12/2022.

Về cơ bản, đối tượng áp dụng các chính sách gia hạn thuế của 2 Dự thảo Nghị định lần này là kế thừa Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021, Nghị định 109/2020/NĐ-CP và Nghị định 104/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

So với Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, Dự thảo Nghị định lần này bổ sung thêm chính sách gia hạn đối với tiền thuê mặt nước; bỏ điều kiện DN phải nộp đủ số thuế đã gia hạn của những năm trước thì mới được thụ hưởng chính sách… Thời gian gia hạn lần này cũng dài hơn so với năm 2021, từ 6 - 7 tháng thay vì chỉ 2 tháng như trước (tháng 10 - 11/2021). Thời gian gia hạn nằm trong thời gian ngân sách, không quá tập trung vào thời điểm cuối năm.

Nếu như Nghị định số 104/2021/NĐ-CP quy định về thời hạn cụ thể người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế, thì Dự thảo Nghị định thay thế đã xóa bỏ quy định này, người nộp thuế có thể lựa chọn thời điểm nộp hoặc có thể nộp vào thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Mặc dù những đề xuất này nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng DN, nhưng một số nội dung vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Tại hội thảo được tổ chức mới đây, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật Anvi đề nghị xóa bỏ Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế để tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính; sáp nhập 2 nghị định thành 1 để DN dễ dàng theo dõi…

Bà Trần Thị Thanh Thư - Công ty Luật Deloite cũng đề nghị cần có quy định cụ thể về thời hạn phản hồi Giấy đề nghị của người nộp thuế có được chấp thuận hay không, thời hạn có thể là 7 ngày. Đồng thời, cần mở rộng thêm không gian chính sách cho những DN không thuộc DN quy mô nhỏ về số lượng nhưng doanh thu và lợi nhuận trong 2 năm qua sụt giảm mạnh…

Tuy nhiên, theo phản biện của đại diện Vụ Chính sách của Tổng cục Thuế, Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế là cần thiết, để làm căn cứ đánh giá, tổng kết nhu cầu thực tiễn. Kể từ năm 2016 đến nay, theo quy định, cơ quan thuế không có trách nhiệm xác định và thông báo thuế cho từng DN, mà mỗi DN phải tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Còn việc gộp 2 nghị định làm 1 là không khả thi, vì phạm vi đối tượng áp dụng rộng - hẹp khác nhau, và theo yêu cầu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chỉ yêu cầu báo cáo riêng về đối tượng áp dụng thuế TTĐB nên cần tách riêng.

Riêng về thời hạn gia hạn nộp thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính, một số ý kiến cho rằng cần tăng thêm thời hạn gia hạn nộp thuế hơn nữa để DN “dễ thở” hơn, vì hết năm 2022 chưa chắc đã hết Covid-19, vì thế DN vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, một số ý kiến, bao gồm cả đại diện Cơ quan soạn thảo cho rằng, không nên kéo dài vô thời hạn các chính sách gia hạn thuế, tránh tình trạng DN lạm dụng, chây ì nghĩa vụ nộp thuế. Nếu hết năm nay, các DN tiếp tục gặp khó khăn thì tháng 11/2022, Bộ Tài chính sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá lại để có thể xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Mặt khác, để giảm gánh nặng nộp thuế 1 lần vào cuối năm, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách của Tổng cục Thuế khuyến nghị, các đối tượng thụ hưởng có thể nộp sớm, phân chia thành nhiều thời điểm nộp thuế phù hợp, không bắt buộc dồn hết vào thời hạn cuối cùng.

Tin cùng chuyên mục