Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững tiếp tục là mục tiêu hàng đầu tại Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 (Dự thảo Kế hoạch), nhưng bối cảnh mới yêu cầu những giải pháp đột phá hơn để thực hiện được mục tiêu này, đồng thời hướng đến những khát vọng phát triển đã được lượng hóa với cột mốc 2030 và 2045.
Dự thảo Kế hoạch đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7% |
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 được xây dựng trong một bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen và hết sức đặc biệt. Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là thách thức lớn; độ mở của nền kinh tế lớn làm các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn... Đặc biệt, đại dịch Covid-19 theo như cách nói của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa sẽ khiến thế giới, trong đó có Việt Nam, không thể xây dựng các mục tiêu như cũ, cơ chế và phương thức thực hiện cũng không thể như trước. SARS-Cov-2 hay là các biến thể 3 - 4 năm của nó có thể làm phá sản mọi dự tính của những quốc gia tiên tiến nhất, nhưng cũng có thể đưa một nước đang phát triển vượt lên đuổi kịp các nước phát triển, nếu quốc gia đó có chiến lược khôn ngoan, có bộ máy lãnh đạo giàu năng lực, liêm khiết, giữ được niềm tin và biết cách huy động được trí tuệ, tâm huyết của nhân dân.
Trong bối cảnh mới, 5 năm tới, Dự thảo Kế hoạch xác định mục tiêu phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp… Trong đó, Dự thảo Kế hoạch đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700 - 5.000 USD.
Một số ý kiến cho rằng đây là một mục tiêu đầy thách thức, gian nan khi mà từ năm 2010 đến năm 2019 GDP của Việt Nam chỉ tăng trưởng trung bình 6,3%/năm. Mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 đến 5.000 USD vào năm 2025 cũng cần nhiều nỗ lực.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác nhận định mục tiêu cao là cần thiết. Theo ông Trương Trọng Nghĩa, từ đây đến 2030 chỉ có 2 kế hoạch 5 năm, đến năm 2045 chỉ có 5 kế hoạch 5 năm. Nếu hình dung chúng ta đang chuẩn bị cho một chặng bay mới mà có người còn gọi là đổi mới vòng 2 thì 10 năm tới đây đất nước phải cất cánh và đạt được bình độ cần có để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từ đó bay nhanh hơn gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển, 5 năm tới có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ lộ trình còn lại. Nếu cứ loay hoay, không cất cánh được hay cất cánh mà không đủ tốc độ và cao độ thì sau 10 năm sẽ không đạt được bình độ cần thiết và khi đó khát vọng sẽ chỉ là khát vọng.
Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định được củng cố sau 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 là một bệ đỡ cho những dự định trong tương lai vạch ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu tách riêng 4 năm 2016 - 2019, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6,8% và chúng ta đã đạt được kết quả này mà không cần phải hy sinh các mục tiêu khác như lạm phát, tỷ giá hay nợ công. Ngược lại, chính việc kiềm chế lạm phát dưới 4%, cộng với nỗ lực ổn định tỷ giá, giảm nợ công xuống mức 56,1% GDP vào năm 2019 đã tạo ra các tiền đề quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, dựa nhiều hơn vào các yếu tố năng suất và chất lượng.
Ở chiều ngược lại, việc đặt mục tiêu cao cũng có thể gây sức ép lên các chính sách tài khóa và tiền tệ, và nếu không thận trọng có thể đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng bất ổn vĩ mô như đã từng xảy ra trong quá khứ. Vì thế, Dự thảo Kế hoạch đã đề ra nhiều giải pháp để giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, tăng trưởng và kiên trì ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế...
Để có được tăng trưởng nhanh - bền vững trong giai đoạn tới, nhiều chuyên gia nhắc đến một cuộc đổi mới lần 2, vừa tiếp tục cải cách các yếu tố nền tảng, vừa tạo ra thể chế vượt trội, điều kiện thuận lợi thúc đẩy các đột phá tăng trưởng mới. Trong đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là thiết yếu để có khả năng đặt chân vào các khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị, tăng năng suất lao động, tạo ra được mức tăng trưởng đột phá. Đồng thời huy động các nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển; tạo ra, phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh, làm trụ cột cho các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế…