Tận dụng hiệu ứng lan tỏa từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi đã thu hút hàng loạt dự án công nghiệp quy mô lớn, góp phần tăng thu ngân sách địa phương |
Đột phá từ chuyển dịch kinh tế
14 năm trước, người dân Quảng Ngãi đầy tự hào khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đưa sản phẩm đầu tiên ra thị trường tiêu thụ. Cũng ngần ấy thời gian, Quảng Ngãi được cả nước biết đến là địa phương đầu tiên sở hữu ngành lọc hóa dầu và các sản phẩm khâu sau (nhựa Polypropylene) với vốn đầu tư gần 3 tỷ USD từ ngân sách nhà nước. Những năm qua, lọc hóa dầu luôn là chỗ dựa vững chắc, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi vào Top cao của cả nước. Hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, là nguồn thu chủ lực của ngân sách, đó là cơ sở, tiền đề để Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mở rộng, nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8 triệu tấn/năm. Đồng thời, là nền tảng để Quảng Ngãi báo cáo đề xuất và được Bộ Chính trị cho phép xây dựng Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Sau 8 năm cô đơn trên đường đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã có bạn đồng hành ở lĩnh vực cơ khí và luyện cán thép. Tháng 2/2017, Tập đoàn Hòa Phát khiến nhiều người ngỡ ngàng với quyết định đầu tư vào Quảng Ngãi, thành lập doanh nghiệp và công bố vốn điều lệ 30 nghìn tỷ đồng cùng kế hoạch rót 52 nghìn tỷ đồng đầu tư đầu tư xây dựng, vận hành Khu liên hợp sản xuất gang thép. Với quy mô công suất 4 triệu tấn/năm, đã đưa vào khai thác toàn bộ từ năm 2021, thép Hòa Phát bổ sung vào ngân sách Quảng Ngãi chỉ đứng sau Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Thu ngân sách của Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tăng với việc Hòa Phát mở rộng đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với số vốn 85.000 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, đây là dự án chiến lược quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và GDP không chỉ cho Quảng Ngãi mà còn cho cả nước, đồng thời nâng cao vị thế của doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh tại Quảng Ngãi lên một tầm cao mới.
Tỷ phú người Mỹ Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới, từng nói: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Vận dụng triết lý kinh doanh này, tận dụng hiệu ứng lan tỏa từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi đã thu hút Khu liên hợp luyện cán thép Hòa Phát, Doosan Vina và nhiều dự án khác vào Khu Kinh tế Dung Quất, Khu VSIP Quảng Ngãi, các khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú… Nhờ đó, tổng thu ngân sách Quảng Ngãi liên tục tăng qua các năm: 2021 đạt 20.981 tỷ đồng, quy mô nền kinh (GRDP) tế đạt 53.501 tỷ đồng; năm 2022 thu về 34.000 tỷ đồng; GRDP đạt 114.675 tỷ đồng. Bước sang năm 2023, dù thu ngân sách có giảm so với năm 2022 với mức thu 28.632 tỷ đồng nhưng quy mô nền kinh tế tiếp tục tăng ở mức 122.880 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4/14 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, căn cứ vào chương trình hành động triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX đề ra là đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá vùng miền Trung vào năm 2025 thì trong 3 năm qua, Quảng Ngãi đã cơ bản đạt được các chỉ tiêu để đánh giá một tỉnh phát triển, tỉnh khá của vùng miền Trung.
Đột phá từ tầm nhìn quy hoạch
Năm 2023, vượt qua vô vàn khó khăn, phức tạp của kinh tế trong nước và thế giới, Quảng Ngãi tiếp tục gặt hái được những thành công có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 5 năm 2021 - 2025.
Cũng trong năm 2023, Quảng Ngãi liên tiếp được Chính phủ phê duyệt 2 quy hoạch quan trọng là Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045. Triển khai các bước tiếp theo, chỉ chưa đầy một năm, Quảng Ngãi đã hoàn thành một số quy hoạch phân khu trong tổng số 11 phân khu quan trọng trong và ngoài Khu kinh tế Dung Quất như: quy hoạch phân khu 1/2000 Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Bình Thanh; Khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Tịnh Phong; Khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất và đô thị Lý Sơn; Quy hoạch chung xây dựng khu vực dọc đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; các quy hoạch chung xây dựng đô thị...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, Tỉnh đã cơ bản tháo gỡ rào cản về quy hoạch trong những năm qua. Các quy hoạch được duyệt là cơ sở, là công cụ quan trọng để định hướng, tạo hành lang cho quá trình thu hút đầu tư, phát triển Quảng Ngãi trong thời gian tới. “Dư địa trong phát triển của Tỉnh còn rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị, khai thác hạ tầng khu công nghiệp. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho nhiều ngành kinh tế và là điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh”, ông Đặng Văn Minh nhấn mạnh.
Với nền tảng vững chắc được gây dựng trong nhiều năm qua, Quảng Ngãi tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp bằng cách tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nâng quy mô đầu tư để hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim đứng đầu cả nước, dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển. Đồng thời, tạo tiềm lực để địa phương dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao như: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản chất lượng cao; dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, hội thảo; dịch vụ logistics; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng Trung tâm Điện lực Dung Quất với Tổ hợp nhà máy điện tua-bin khí hỗn hợp với công suất 750MW/nhà máy (dự phòng để phát triển thêm nhà máy thứ 4) mang tính chiến lược trọng điểm để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Để chuẩn bị cho “đại bàng về làm tổ”, sẽ có 10 khu công nghiệp dự kiến được thành lập với quỹ mặt bằng theo nhu cầu phát triển là 6.648 ha (3.157 ha đã được Chính phủ phân bổ; phần diện tích còn lại chênh lệch giữa nhu cầu với chỉ tiêu đã được phân bổ là 3.491 ha) sẽ được Quảng Ngãi chuẩn bị, điều chỉnh, bổ sung kịp thời khi nhà đầu tư có nhu cầu. “Các khu công nghiệp này được đặt tại những vị trí thuận lợi về kết nối giao thông đường bộ, đường thủy, cảng biển và được đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại để nhà đầu tư chỉ việc xây dựng nhà máy sản xuất và đưa các sản phẩm ra thị trường thuận tiện nhất”, ông Đặng Văn Minh khẳng định.