Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết: Đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận, Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng áp dụng loại hợp đồng BOT sẽ đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư. Trước đó, Bình Thuận đã báo cáo Thủ tướng xin thực hiện theo hình thức chỉ định nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Quốc phòng, Dự án không thuộc trường hợp áp dụng chỉ định nhà đầu tư, vì phải bảo đảm yêu cầu về quốc phóng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước.
Phối cảnh Dự án Cảng hàng không Phan Thiết. Ảnh: TL st
Phối cảnh Dự án Cảng hàng không Phan Thiết. Ảnh: TL st

Tại tờ trình mới nhất, tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) xem xét báo cáo, trình Thủ tướng quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo loại hợp đồng BOT.

Theo đó, mục tiêu đầu tư là hoàn thiện hệ thống Cảng hàng không theo quy hoạch vận tải hàng không giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt; đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Thời gian triển khai khoảng 27 tháng; thời gian vận hành, khai thác và hoàn vốn trong vòng 45 năm. Dự án sẽ do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan phê duyệt dự án và ký kết hợp đồng BOT.

Tại Tờ trình 4529/TTr-UBND ngày 20/11/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư cho Dự án. Theo đó, Bên mời thầu dự kiến là Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận, thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2024.

Trước đó, tháng 8/2023, Bình Thuận báo cáo Thủ tướng việc chấm dứt hợp đồng BOT và xin chỉ định nhà đầu tư thay thế thực hiện hạng mục dân dụng Dự án Cảng hàng không Phan Thiết.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng khó có thể hoàn thành vào quý IV/2024 như kỳ vọng. Ngoài việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thay thế thì Dự án đang có một “nút thắt” cần giải quyết là việc kết thúc hợp đồng BOT trước hạn với Công ty CP Rạng Đông.

Theo đó, quá trình triển khai hợp đồng BOT Dự án Đầu tư xây dựng công trình sân bay Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng giữa UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty CP Rạng Đông có sự thay đổi về chủ trương nâng cấp sân bay Phan Thiết từ cấp 4C lên cấp 4E. Sự điều chỉnh này dẫn tới quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư thay đổi so với Dự án đã được phê duyệt ở thời điểm tháng 12/2014 và phải lựa chọn lại nhà đầu tư. Đến nay, Dự án chưa triển khai xây dựng, các quy định về đầu tư đã thay đổi so với thời điểm ký kết hợp đồng, căn cứ Điều 71 của Hợp đồng BOT đã ký và khoản 2 Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015, UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty CP Rạng Đông đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn.

Theo thỏa thuận này, chi phí Công ty CP Rạng Đông đã bỏ ra thực hiện tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng sẽ được UBND tỉnh Bình Thuận trình Chính phủ hoặc cơ quan có thẩm quyền khác xem xét, quyết định thanh toán cho nhà đầu tư trên cơ sở kết quả đánh giá, xác định của một đơn vị kiểm toán độc lập. Các chi phí đã thực hiện gồm: chi phí chuẩn bị đầu tư Dự án (khảo sát, lập hồ sơ dự án, quy hoạch), chi phí rà phá bom mìn phục vụ khởi công Dự án, chi phí quản lý Dự án. Theo tìm hiểu, Bình Thuận sẽ đề nghị nhà đầu tư mới được lựa chọn thay thế xem xét hoàn trả các chi phí này cho Công ty CP Rạng Đông. Theo khái toán của Công ty CP Rạng Đông, chi phí đã thực hiện (không tính chi phí khác) khoảng gần 150 tỷ đồng.

Hiện tại, UBND tỉnh Bình Thuận trình Bộ KHĐT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Công ty CP Rạng Đông để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thay thế theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Tin cùng chuyên mục