Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP sẽ hạn chế đáng kể tình trạng khai khống, đẩy giá công trình BT để được thanh toán bằng quỹ đất rộng hơn. Ảnh: Tường Lâm |
Có dự toán mới lựa chọn nhà đầu tư
Dự án BT có tính chất khác với các dự án thực hiện theo các loại hợp đồng còn lại - công trình BT được thực hiện như công trình đầu tư bằng vốn nhà nước; sau khi hoàn thành xây dựng, nhà đầu tư chuyển giao ngay cho Nhà nước và không vận hành; việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất (không phải bằng tiền).
Tuy nhiên, quy định hiện hành tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ15) chưa thiết kế nội dung riêng cho dự án BT (nằm rải rác tại các điều) phần nào gây khó khăn trong quá trình áp dụng thực hiện. Với sự đồng thuận rất cao của các bộ, ngành, địa phương (68/68 cơ quan có ý kiến), Dự thảo Nghị định bổ sung một chương riêng về trình tự thực hiện, nguyên tắc và phương thức thanh toán, giám sát dự án BT; đồng thời bổ sung tương ứng một số nội dung tại các chương khác của Nghị định nhằm đảm bảo tính liên kết, liền mạch của các quy định.
Một trong những sửa đổi quan trọng để giảm thất thoát khi thực hiện dự án BT đó là quy định việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi dự án có thiết kế kỹ thuật (đối với dự án yêu cầu thiết kế 3 bước) hoặc thiết kế bản vẽ thi công (đối với dự án yêu cầu thiết kế 2 bước) và dự toán xây dựng công trình. Quy định hiện hành chỉ yêu cầu phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi ở mức thiết kế cơ sở. Quy định này không đảm bảo chính xác giá trị công trình để bố trí nguồn đất thanh toán phù hợp và sai khác nhiều so với giá trị công trình được thanh quyết toán.
Theo một thành viên của Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định thay thế NĐ15, sửa đổi này sẽ hạn chế đáng kể tình trạng khai khống, đẩy giá công trình BT để được thanh toán bằng quỹ đất rộng hơn.
Giám sát chặt như dự án đầu tư công
Theo quy định tại pháp luật về xây dựng, dự án đầu tư theo hình thức PPP có cấu phần xây dựng được quản lý như đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách. Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước quản lý về chủ trương đầu tư, mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí thực hiện, các tác động của dự án đến cảnh quan, môi trường, an toàn cộng đồng, quốc phòng, an ninh và hiệu quả của dự án. Chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm quản lý thực hiện dự án theo quy định. Đối với dự án PPP, chủ đầu tư là doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thành lập theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hợp đồng BT khác với các loại hợp đồng còn lại của hình thức đầu tư PPP. Các loại hợp đồng khác của PPP, ví dụ như BOT, có thời gian hợp đồng dài, ràng buộc trách nhiệm nhà đầu tư trong cả giai đoạn vận hành, quản lý dự án. Tuy nhiên, dự án BT, sau khi hoàn thành, nhà đầu tư bàn giao ngay cho Nhà nước và gần như hết trách nhiệm.
Với quy định “chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm quản lý thực hiện dự án” nếu áp dụng với dự án BT sẽ dẫn đến hệ quả là nhà đầu tư BT có thể không đảm bảo chất lượng công trình, bớt xén trong thi công để thu lợi mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) không thể giám sát được trong quá trình thi công vì không có quy định cụ thể.
Dự thảo Nghị định thay thế NĐ15 sửa đổi theo hướng việc giám sát chất lượng các dự án BT được thực hiện như đối với dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, theo đó CQNNCTQ trực tiếp giám sát chất lượng công trình theo pháp luật về xây dựng. CQNNCTQ trực tiếp hoặc giao đơn vị quản lý dự án, ban quản lý dự án có đủ năng lực, chuyên môn thực hiện giám sát chất lượng công trình dự án BT. Đồng thời, CQNNCTQ thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình dự án BT theo quy định về quyết toán các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, để quản chặt hơn dự án BT, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ15 bổ sung quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A áp dụng loại hợp đồng BT; bộ, ngành và UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư các dự án BT còn lại.
Theo một số ý kiến, những thay đổi này chắc chắn sẽ không được sự đồng tình từ phía các doanh nghiệp đã thực hiện “quen” các dự án BT với thủ tục trước đây và sẽ có ý kiến cho rằng quy định chặt chẽ như Dự thảo Nghị định sẽ cản trở việc áp dụng loại hợp đồng này trong bối cảnh ngân sách hạn chế. Tuy nhiên, việc quy định rõ ràng trình tự thực hiện dự án BT, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với dự án BT từ bước quyết định chủ trương đầu tư, đấu thầu sau khi có dự toán công trình, đến giám sát dự án chặt chẽ đảm bảo chất lượng công trình khi chuyển giao như quy định tại Dự thảo Nghị định thay thế NĐ15 sẽ hạn chế tối đa sự thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia. Bài học từ việc thực hiện rất nhiều dự án BT tại Hà Nội, TP.HCM thời gian qua càng cho thấy sự cần thiết phải quản chặt dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng này, nhất là trong bối cảnh “cơn sốt” làm dự án BT đã quay trở lại như hiện nay.