Dự án BT Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: Mặt bằng ám ảnh nhà đầu tư

(BĐT) - TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ giải quyết vướng mắc liên quan đến Dự án BT Xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. 
Đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, tuyến đường đẹp nhất TP.HCM, mang lại bộ mặt mới cho Thành phố. Ảnh: Song Lê
Đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, tuyến đường đẹp nhất TP.HCM, mang lại bộ mặt mới cho Thành phố. Ảnh: Song Lê

Sau nhiều năm đàm phán, câu chuyện giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng như tiến độ bàn giao mặt bằng để nhà đầu tư triển khai dự án khác đang khiến Thành phố và nhà đầu tư không thể tìm được tiếng nói chung.

Nhiều “chướng ngại vật” cản bước nhà đầu tư

Theo UBND TP.HCM, trong quá trình triển khai Dự án, do khó khăn trong công tác GPMB nên TP.HCM chỉ giao mặt bằng từng phần cho nhà đầu tư Hàn Quốc - Công ty GS Engineering & Construction (gọi tắt là Công ty GS) - chậm so với tiến độ hợp đồng BT đã ký. Công ty GS đã triển khai xây dựng tuyến đường từ ngày 8/9/2008 và hoàn thành đoạn cuối cùng của tuyến đường vào ngày 30/8/2016.

Với tổng số hộ dân phải giải tỏa là 3.900 hộ, trải dài trên địa bàn 4 quận (Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức), ngay từ “vạch xuất phát”, Dự án đã gặp vô số “chướng ngại vật” bởi các phương án điều chỉnh hướng tuyến, giảm lộ giới, thu hồi đất, đền bù, giải tỏa… chưa thông suốt, liên tục bị người dân khiếu nại. Riêng đoạn đầu tuyến, từ nút giao thông Trường Sơn (quận Tân Bình) đến Ngã năm Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) chỉ dài hơn 1,5 km, nhưng khi thực hiện thì mỗi địa phương làm một nẻo.

Công ty GS đã nêu hàng loạt khó khăn vướng mắc như chậm bàn giao mặt bằng, đất nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, vướng công trình điện nước, nhà ga đường sắt, hào kỹ thuật chưa thống nhất phương án…

Không những thế, trong 5 khu đất giao cho Công ty GS để triển khai dự án khác nhằm thu hồi vốn đầu tư, còn 2 khu đất chưa bàn giao đúng tiến độ hợp đồng BT. Đó là khu đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm (Quận 2) và khu đất tại phường Long Bình (Quận 9).

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Thành phố đã giao các quận, huyện liên quan bàn giao cho Nhà đầu tư mặt bằng lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước ngày 31/12/2016; mặt bằng dự án tại khu B phường Long Bình, Quận 9 trước ngày 31/8/2016 và mặt bằng di dời lưới điện qua khu vực dự án tại huyện Nhà Bè trước ngày 31/10/2016. 

Thành phố đang rất lúng túng

Dự án BT Xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, nay là đường Phạm Văn Đồng, dài 13,6 km, có tổng mức đầu tư lên đến 495 triệu USD. Công ty GS là nhà đầu tư thiện chí khi nhanh chóng chuyển kinh phí để TP.HCM tiến hành GPMB. Đến nay, chất lượng thi công nhiều gói thầu thuộc Dự án được đánh giá cao, đem lại bộ mặt mới cho đô thị cũng như tăng tính kết nối đồng bộ giao thông của TP.HCM.
Được biết, sau khi xây dựng, hoàn thành, bàn giao tuyến đường, Công ty GS yêu cầu TP.HCM phải thanh toán thêm chi phí phát sinh do chậm bàn giao mặt bằng xây dựng tuyến đường theo quy định tại hợp đồng BT. “Nhận thấy yêu cầu của Công ty GS là có cơ sở, tuy nhiên sau 2 năm đàm phán, Tổ công tác liên ngành của Thành phố và Công ty GS chưa thống nhất được giá trị chi phí phát sinh do còn có ý kiến khác nhau (mức lãi suất USD do Công ty GS đi vay, chi phí trượt giá xây dựng tuyến đường do Thành phố chậm giao mặt bằng và một số nội dung khác…)”, UBND TP.HCM cho biết.

Theo UBND TP.HCM, hợp đồng BT đã ký giữa UBND TP.HCM và Công ty GS có liên quan đến hợp tác quốc tế. Theo đó, đây là dự án thí điểm đầu tiên do nhà đầu tư nước ngoài thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam để thực hiện đầu tư theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

Trong một kịch bản mà TP.HCM lường trước, trường hợp các bên không thống nhất giải quyết được tranh chấp thông qua thương lượng, thì sẽ xử lý chung thẩm bằng trọng tài theo các quy tắc trọng tài quốc tế Singapore. “Khi đó, sẽ phát sinh thêm khó khăn cho Thành phố và chi phí sẽ tăng thêm”, UBND TP.HCM nhận định.

TP.HCM đang lúng túng trong giải quyết khó khăn phát sinh từ Dự án. Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành cử cán bộ có chuyên môn hỗ trợ rà soát nội dung hợp đồng BT, phối hợp cùng Tổ công tác liên ngành của Thành phố đàm phán với nhà đầu tư về các chi phí phát sinh của Dự án nhằm đảm bảo quyền lợi giữa các bên, theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa thiệt hại.

Dễ hiểu vì sao TP.HCM nỗ lực để dự án BT với Công ty GS không trở thành nốt “trầm”, bởi địa phương này đang ra sức kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế vào nhiều dự án hạ tầng cấp thiết khác thông qua kênh đối tác công tư (PPP).

Tin cùng chuyên mục