Đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Nhận diện khó khăn, nhân đôi cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thực hiện dự án mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong thời gian tới có 5 khó khăn đã được Bộ Xây dựng nhận diện. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đây cũng là cơ hội mới cho các nhà thầu có tiềm lực, kinh nghiệm dày dặn trong bố trí, tổ chức thi công cao tốc.
Tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt
Tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt

Nhiều khó khăn, cần nhà thầu am hiểu từng đoạn tuyến

Khó khăn đầu tiên là các nhà thầu phải thi công lại một số hạng mục vừa hoàn thành như: cải tạo mặt đường, bù vênh hai mái thành một mái; dịch chuyển dải phân cách giữa, lưới chống chói; lắp đặt lại tôn lượn sóng, cọc tiêu, biển báo; kẻ lại vạch sơn; tháo dỡ, kéo dài giá long môn; đào cấp mái taluy để thi công mở rộng; phá dỡ đầu cống thoát nước, hầm chui dân sinh…

Hai là, quá trình thi công mở rộng có thể ảnh hưởng đến thời hạn thu phí cục bộ một số đoạn tuyến cao tốc do chưa hoàn thành hạng mục ITS.

Ba là, các đoạn tuyến cao tốc vừa đưa vào khai thác đến tháng 6/2026 mới hết thời hạn bảo hành đối với giai đoạn 1. Quá trình đầu tư mở rộng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép ưu tiên lựa chọn nhà thầu đã thi công các hạng mục trước đây để bảo đảm trách nhiệm pháp lý của các nhà thầu, hạn chế tranh chấp.

Bốn là, quá trình thi công có thể ảnh hưởng cục bộ đến công tác khai thác, đồng thời, không tránh khỏi ý kiến của dư luận liên quan đến việc thi công lại một số hạng mục vừa hoàn thành.

Cuối cùng, đối với các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, nếu dừng để chờ điều chỉnh thiết kế, điều chỉnh lại hợp đồng có thể ảnh hưởng đến mục tiêu đưa vào khai thác năm 2025 và mục tiêu đạt 3.000 km cao tốc.

Chính từ những khó khăn này, Bộ Xây dựng đã đề xuất chính sách đặc thù ưu tiên chỉ định những đơn vị đã tham gia thi công tương ứng các đoạn tuyến trước đây.

PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, một số khó khăn được nhận diện liên quan đến phương án, kỹ thuật thi công rất cần được lưu ý để đánh giá tổng thể. Mở rộng tuyến cao tốc là bài toán kỹ thuật khó, cần tính đồng bộ, an toàn cao và phải được trao cho các nhà thầu am hiểu nhất từng đoạn tuyến. Khó khăn trong việc vừa thi công vừa bảo đảm duy trì trạng thái lưu thông liên tục của các phương tiện giao thông cũng là bài toán khó cần những nhà thầu có năng lực tổ chức công trường.

Nhà thầu có tiến độ thi công vượt trội ghi điểm

Theo báo cáo của các ban quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng, dịp 30/4/2025, có ít nhất 2 dự án cao tốc sẽ được khánh thành. Đầu tiên là tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng chiều dài hơn 49 km, trong đó, đoạn tuyến thông xe có chiều dài khoảng 30 km (từ Diễn Châu đến nút giao Quốc lộ 46B). Hơn 19 km còn lại đang phấn đấu hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn phân kỳ, Dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, khởi công tháng 5/2021. Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư hơn 11.157 tỷ đồng. Nhà đầu tư Dự án là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng.

Tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài 79 km đi qua 3 tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng trên đà về đích. Giai đoạn phân kỳ, Dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Dự án được đầu tư theo phương thức PPP với tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng. Nhà đầu tư Dự án là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194. Doanh nghiệp dự án là Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Trước đó, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài khoảng 100,8 km, sử dụng vốn đầu tư công với tổng mức đầu tư 10.853,9 tỷ đồng đã được các nhà thầu thi công vượt tiến độ.

Bên cạnh đó, Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm, 1 trong 3 dự án PPP thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đã được khánh thành vào ngày 18/6/2023 là nỗ lực của nhà đầu tư, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng. Dự án có tổng vốn đầu tư 5.524,15 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2021, được đưa vào khai thác tạm thời ngày 19/5/2023. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Nếu được áp dụng chính sách đặc thù ưu tiên chỉ định nhà thầu từng thi công đoạn tuyến tương ứng, cùng với việc xét uy tín nhà thầu thi công vượt tiến độ, những nhà thầu sớm hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, 2021 - 2025 có thể nhân đôi cơ hội, tham gia mở rộng cao tốc.

Tin cùng chuyên mục