Dự án Cải tạo Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi: Thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm

(BĐT) - Mặc dù triển khai thực hiện từ quý IV/2010, song đến nay, Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Km185 - Km189), huyện Thanh Trì do Sở GTVT Hà Nội làm chủ đầu tư mới chỉ thi công đạt khoảng 30% giá trị khối lượng. 
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Hà Nội) dài khoảng 3,8 km, có tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng. Ảnh: Huy Hùng
Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Hà Nội) dài khoảng 3,8 km, có tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng. Ảnh: Huy Hùng

Tại Kết luận thanh tra mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của dự án “rùa bò” này.

Liên tục chậm tiến độ

TTCP cho biết, Dự án có tổng chiều dài khoảng 3,8 km, mặt cắt ngang toàn tuyến là 46 m, có tổng mức đầu tư gần 888 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 247 tỷ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, tư vấn… Theo quyết định phê duyệt của UBND TP. Hà Nội, tiến độ thực hiện Dự án từ quý IV/2010 - quý IV/2013. Sau đó, Dự án đã được điều chỉnh tiến độ hoàn thành 2 lần đến hết năm 2017. Tuy nhiên, tại thời điểm thanh tra (đầu năm 2018), Dự án vẫn đang thực hiện dở dang, chỉ đạt khoảng 30% giá trị khối lượng. Giá trị nghiệm thu cho toàn bộ Dự án gần 223 tỷ đồng, giá trị đã thanh toán 222,5 tỷ đồng, trong đó giá trị phần xây lắp gần 96 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 118 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Dự án bị chậm tiến độ nhiều năm nhưng chủ đầu tư là Sở GTVT Hà Nội đã không kịp thời báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định, dẫn đến các phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện với các nhà thầu xây dựng được ký sau ngày hết hạn hợp đồng, vi phạm Khoản 4 Điều 28 Nghị định 12/2009/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 34, Khoản 3 Điều 38 Nghị định 48/2010/NĐ-CP, TTCP khẳng định.

TTCP cũng cho biết, một trong những nguyên nhân khiến Dự án dang dở, chậm tiến độ là do các nhà thầu không lập tiến độ tổng thể và chi tiết cho từng hạng mục, từng thời điểm để thực hiện tiến độ hợp đồng và trình Chủ đầu tư xem xét chấp thuận theo hợp đồng đã ký, vi phạm Điều 28 Nghị định 12/2009/NĐ-CP về quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình và không tuân thủ đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký.

Mặc dù tiến độ thực hiện Dự án không bảo đảm theo yêu cầu do chưa có mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công, đồng thời nguồn vốn cấp cho Dự án hạn chế, nhưng Chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu và ký hợp đồng thực hiện với các nhà thầu, vi phạm Khoản 1 và Khoản 5 Điều 72 Luật Xây dựng 2003 về điều kiện để khởi công xây dựng công trình.

Phân chia gói thầu trái quy định

Qua kết quả thanh tra, TTCP cho biết, ngày 25/8/2010, trên cơ sở nội dung trình của Sở GTVT Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 4139/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án nêu trên, trong đó công tác tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công được chia thành 2 gói thầu (1,19 tỷ đồng và 2,66 tỷ đồng) để chỉ định thầu. TTCP khẳng định, việc phân chia 2 gói thầu nói trên thuộc về hành vi bị cấm trong đấu thầu (chia dự án thành các gói thầu trái quy định), vi phạm Khoản 4 Điều 6, Khoản 7 Điều 12 Luật Đấu thầu 2005 và Thông tư 02/2009/TT-BKH về hướng dẫn lập kế hoạch đấu thầu.

Đáng chú ý, tại các gói thầu số 8, số 9 và số 10 của Dự án còn xảy ra câu chuyện Sở GTVT Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chi phí phát sinh đối với cả khối lượng chưa thi công với tổng giá trị hơn 14,7 tỷ đồng, vi phạm Điều 35, Điều 36 Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng và Điều 3, Điều 7 Thông tư 08/2010/TT-BXD hướng dẫn phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng.

Ở 3 gói thầu nêu trên đều áp dụng 2 định mức thi công bằng máy và thủ công đối với công tác đào đắp đất bằng cách phân chia khối lượng theo tỷ lệ % không đúng định mức dự toán xây dựng của Bộ Xây dựng. Giá trị chênh lệch tăng giữa thi công thủ công và máy không đúng quy định gần 4,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc áp dụng hệ số (2%) chi phí trực tiếp khác không đúng quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BXD đã làm tăng giá trị 4 gói thầu (số 8, 09, 10 và 11), gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 700 triệu đồng.

Trong quá trình thực hiện, các nhà thầu không vận chuyển đổ thải tại vị trí đã được lập trong dự toán mà thuê một số đơn vị không có tên trong hồ sơ dự thầu vận chuyển đổ thải. Còn Tư vấn giám sát và Ban Quản lý dự án chỉ tiến hành nghiệm thu khối lượng đất thải đổ đi được vận chuyển ra khỏi công trường, do đó không có cơ sở quản lý và xác định được cự ly đổ, vị trí đổ thải thực tế.