Dự án cảng Liên Chiểu: Thiếu vật liệu, nguy cơ dừng thi công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù đã quy hoạch, chuẩn bị thủ tục và xin chủ trương đầu tư gần 2 năm nay, nhưng các mỏ vật liệu đá, đất đắp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến nay chưa được gia hạn và nâng công suất khai thác. Điều này dẫn đến nguy cơ nhiều công trình chậm tiến độ, không loại trừ khả năng bị dừng thi công như Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần hạ tầng dùng chung.
Thi công đường dẫn (bên trái) và khu vực chứa chất thải (phần chia ô) Dự án cảng Liên Chiểu - phần hạ tầng dùng chung. Ảnh: Xuân Mai
Thi công đường dẫn (bên trái) và khu vực chứa chất thải (phần chia ô) Dự án cảng Liên Chiểu - phần hạ tầng dùng chung. Ảnh: Xuân Mai

Nhà thầu thiệt hại vì thiếu nguồn vật liệu

Công ty TNHH Xây dựng Xuân Quang là một trong những nhà thầu thi công hạng mục đường dẫn từ đất liền phục vụ cho các nhà thầu khác thi công phần đê chắn sóng thuộc Dự án cảng Liên Chiểu. Theo kế hoạch, hạng mục này sẽ hoàn thành vào tháng 8/2024 (trước mùa mưa bão), nhưng hiện Nhà thầu phải dừng thi công, khả năng sẽ bị chậm tiến độ do thiếu đất đắp nền và đá thi công phần thân đường. “Không có đất đắp, đá cấp phối nên không có quy chuẩn thi công tiếp. Mặt khác, nếu thi công tiếp mà phần đê chắn sóng chưa được thi công do thiếu đá hộc dễ dẫn đến nguy cơ bị sóng biển đánh trôi, gây thiệt hại lớn”, Nhà thầu Xuân Quang cho hay.

Đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, mùa mưa năm ngoái, Nhà thầu Xuân Quang và Xây dựng Trường Sơn đã bị thiệt hại gần 30 tỷ đồng phần khối lượng đã thi công do vào mùa mưa bão, sóng biển đánh sạt lở phần đê và đường dẫn.

Theo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Nhà thầu cùng với Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô thi công phần đê chắn sóng cảng Liên Chiểu dài 1,2 km, khối lượng đá hộc theo kế hoạch thi công năm 2024 khoảng 1 triệu m3, nhưng đến thời điểm hiện tại, dù đã liên hệ các thị trường Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, chịu thêm chi phí vận chuyển nhưng vẫn không đủ vật liệu thi công.

“Khi khởi công xây dựng, Nhà thầu có mua đá tại mỏ Phú Gia (Huế) nhưng vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra văn bản yêu cầu mỏ khai thác không bán cho thị trường Đà Nẵng nữa nên nguồn cung đá bị cắt đứt, Nhà thầu đang rất sốt ruột”, Xây dựng Trường Sơn cho biết thêm.

Theo Công ty TNHH Xây dựng Xuân Quang, dự báo mùa mưa bão năm 2024 tại miền Trung diễn biến phức tạp, việc thi công công trình hàng hải sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu trong giai đoạn hiện nay nguồn vật liệu chủ yếu không đáp ứng. Ngoài ra, giá vật liệu hiện biến động rất lớn, đất đắp mua từ Huế về chân công trường lên tới 240 nghìn đồng/khối rời, tăng gấp đôi so với thời điểm ký kết hợp đồng nên việc thi công trên công trường rất “căng”.

Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng (chủ đầu tư) cho biết, khó khăn chính hiện nay của Dự án là nguồn vật liệu đá hộc và đất đắp khan hiếm. Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã có chủ trương nâng cấp trữ lượng, mở rộng, tăng công suất các mỏ khai thác từ ngày 20/2/2023, nhưng đến nay công suất khai thác tại các mỏ vẫn giữ nguyên, không đáp ứng được nhu cầu của Dự án cũng như các công trình trọng điểm khác.

Đề xuất cho phép nâng 15% công suất khai thác đá

Theo UBND TP. Đà Nẵng, năm 2024 - 2025, địa bàn Đà Nẵng có 9 giấy phép khai thác đá (hạn khai thác đến cuối năm 2025), trong đó có 8 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 1 giấy phép khai thác đá xây dựng công trình còn hiệu lực. Cả 9 mỏ đá đạt công suất khai thác 800.500 m3/năm (2024 - 2025 khoảng 2.100.555 m3).

Về đất đắp, Thành phố có 6 mỏ khai thác (1 mỏ đã hết hiệu lực và đang xin gia hạn), cung ứng 2.468.070 m3 cho các công trình, trong khi theo tính toán, từ năm 2024 - 2025, nhu cầu đá xây dựng là hơn 3 triệu khối (thiếu khoảng 31,35%); đất làm vật liệu san lấp hơn 8 triệu khối (thiếu khoảng 69,38%).

Để có nguồn đá và đất cho các công trình, UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị từ nay đến năm 2025, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố có chủ trương cho phép nâng công suất khai thác các mỏ đá đã ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trước mắt trong năm 2024, cho phép các mỏ đá, đất đắp nâng công suất khai thác. Trong đó, cho phép các mỏ đá nâng công suất thêm 15%.

Các mỏ đang xem xét cấp giấy phép khai thác mới, gồm: mỏ đá Hóc Khế của Công ty TNHH Nho Chiến; mỏ đá Hóc Khế 1 của Công ty CP Xi măng Vicem Hải Vân; mỏ đá thôn Phước Sơn của Công ty CP Đầu tư và Sản xuất vật liệu xây dựng Phúc Thịnh; 2 mỏ đất đang lập hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác của Công ty TNHH Xây dựng phát triển Thái Anh Đà Nẵng, Công ty TNHH Xây dựng Biên Giới; 2 mỏ đất đề nghị gia hạn giấy phép thăm dò của Công ty CP Xây dựng Thương mại Long Bình, Công ty CP Đầu tư khu đô thị Nam Cường...