Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu việc tiếp cận các mỏ vật liệu của nhà thầu được dự báo sẽ rất gian nan. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu gồm Dự án thành phần 1 có tổng mức đầu tư 6.012 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 2 (nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) có tổng mức đầu tư 6.852 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan chủ quản; Dự án thành phần 3 với tổng mức đầu tư 4.964 tỷ đồng, do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản.
Tại Dự án thành phần 1, đến nay, đã ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn thực hiện công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán; công tác rà phá bom mìn, vật nổ, phê duyệt thiết kế kỹ thuật phân đoạn Km6+200 - Km16+000. Dự án được khởi công vào ngày 18/6/2023 vừa qua.
Đối với Dự án thành phần 2, các công việc quan trọng liên quan đến lựa chọn nhà thầu do Ban Quản lý dự án (QLDA) 85 đảm nhận. Hiện đã ký hợp đồng thi công Gói thầu số 9-XL với Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Miền Trung - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thái Yên - Công ty CP Quản lý và xây dựng công trình giao thông 487. Gói thầu số 10-XL do Liên danh Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO thi công. Hợp đồng các gói thầu giám sát thi công cũng đã được ký kết. “Hiện các đơn vị thi công, tư vấn giám sát đều đã có văn phòng điều hành. Các nhà thầu đang xây dựng lán trại, huy động thêm nhân sự, hoàn thiện các hồ sơ vật liệu đầu vào, khảo sát, lập bản vẽ thi công”, Ban QLDA 85 cho biết.
Dự án thành phần 2 dự kiến sử dụng 7 mỏ đất với tổng trữ lượng khoảng 30 triệu m3. Trong đó có 4 mỏ thương mại đang khai thác, tổng trữ lượng 9,1 triệu m3; 2 mỏ quy hoạch và 1 mỏ chưa khai thác, tổng trữ lượng 20,9 triệu m3.
Hiện nay, các nhà thầu đang liên hệ làm việc với địa phương để hoàn thiện thủ tục cấp phép đổ thải. Đồng thời khảo sát thêm các vị trí có thể khai thác đất để lập các thủ tục xin chuyển đổi, khai thác theo cơ chế đặc thù.
Bộ GTVT cho biết, theo kết quả khảo sát vật liệu của đơn vị tư vấn, trữ lượng các mỏ đất thương mại đang khai thác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không đáp ứng nhu cầu vật liệu đất đắp khi triển khai đồng loạt cả 2 dự án thành phần 1, 2 và các dự án lớn khác trong khu vực. Bên cạnh đó, mỏ đất Phước Bình 677 có trữ lượng lớn, vị trí gần công trình nhưng do vướng mắc về mặt thủ tục nên chưa đủ điều kiện để tổ chức khai thác.
Trong khi đó, theo Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), tại Dự án thành phần 3, Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Công ty CP 479 Hòa Bình - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 đã ký hợp đồng thi công Gói thầu số 11 Xây lắp và thiết bị. Hiện đã bàn giao mặt bằng thi công cho nhà thầu đạt trên 90% tổng diện tích thu hồi. Ngày 26/6/2023, các đơn vị đã đồng loạt triển khai thi công trên hiện trường, đang tăng cường nhân sự, máy móc thiết bị để tổ chức thi công kịp tiến độ đề ra.
Theo tìm hiểu, khối lượng vật liệu phục vụ thi công Dự án thành phần 3 khoảng 2,9 triệu m³ đất đắp nền, 0,5 triệu m3 cát và 1,1 triệu m³ đá. Về nguồn vật liệu sử dụng, Dự án thành phần 3 mới đăng ký 1 mỏ đất 47,4 ha khu vực xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức để khai thác làm vật liệu đất đắp; các mỏ đá, cát khác vẫn chưa hoàn thành thủ tục khai thác. Ban QLDA giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải cho biết, trữ lượng các mỏ được huy động đáp ứng đủ nhu cầu của Dự án thành phần 3. Tuy nhiên, các nhà thầu bày tỏ lo ngại khi chưa thể đưa mỏ vào khai thác vì vướng thủ tục.