Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 22.920 tỷ đồng: Thu hút đầu tư theo cơ chế mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỉnh Cao Bằng đang mời các nhà đầu tư đăng ký quan tâm thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng mức đầu tư dự kiến 22.920 tỷ đồng. Dự án nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng nhà đầu tư bởi nếu thu hút đầu tư thành công, đây sẽ là tuyến cao tốc đầu tiên áp dụng Luật PPP với nhiều cơ chế mới.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) dự kiến áp dụng loại hợp đồng BOT. Ảnh: Song Lê
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) dự kiến áp dụng loại hợp đồng BOT. Ảnh: Song Lê

Theo khái toán sơ bộ, Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 22.920 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến là 13.740 tỷ đồng; giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư dự kiến là 9.180 tỷ đồng. Dự án do UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đi qua địa bàn 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, có tổng diện tích đất sử dụng 793,49 ha; thời gian đầu tư thực hiện Dự án từ năm 2021 - 2025. Dự án có chiều dài 115 km, mặt cắt ngang đường cao tốc 17 m, dự kiến áp dụng loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng (đơn vị chuẩn bị Dự án) cho biết, giai đoạn 1 của Dự án sẽ sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước là 5.000 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trung ương là 2.500 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 2.500 tỷ đồng). Nguồn vốn do nhà đầu tư huy động là 8.741 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu là 1.312 tỷ đồng; vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác là 7.429 tỷ đồng).

Một số chỉ tiêu của Dự án được UBND tỉnh Cao Bằng công bố trong giai đoạn khảo sát sự quan tâm và kêu gọi đầu tư gồm: tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư trong thời gian vận hành và khai thác Dự án là 11,5%/năm; lãi suất vốn vay và vốn khác do nhà đầu tư thu xếp là 10,5%/năm. Giá vé 5 nhóm xe năm cơ sở 2025 là 2.100 - 3.000 - 3.700 - 6.000 - 8.100 đồng/km. Nguồn thu hoàn vốn cho Dự án từ nguồn thu phí tại các trạm thu phí của Dự án. Các trạm thu phí được bố trí trên tuyến chính và tuyến nhánh, đầu tư phù hợp với quy mô của Dự án và áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) và thu phí hỗn hợp (MTC-ETC). Thời gian hoàn vốn giai đoạn 1 là 22 năm 11 tháng; giai đoạn 2 là 10 năm 5 tháng. Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án trước ngày 29/6/2021.

Đáng chú ý, nhà đầu tư thực hiện Dự án sẽ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được miễn hoặc giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện Dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai... và được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc thu giá, phí dịch vụ và các khoản thu khác theo Điều 79 và Điều 65 của Luật PPP. Nhà đầu tư được bảo đảm đầu tư theo quy định tại Điều 80; đảm bảo cân đối ngoại tệ theo quy định tại Điều 81 Luật PPP; được chia sẻ phần giảm doanh thu theo Khoản 2 Điều 82 Luật PPP.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng cho biết, một trong những khó khăn trong kêu gọi đầu tư là Dự án có tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài, dẫn đến khó tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng. Tuy vậy, Dự án nhận được sự đồng thuận cao của Trung ương và cả hệ thống chính trị của địa phương. Dự án đã được “thai nghén” gần chục năm qua và hiện tỉnh Cao Bằng đang hoàn thiện các thủ tục để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Dự án sẽ kết nối nhiều cửa khẩu quốc tế quan trọng giao thương với Trung Quốc như Tân Thanh, Cốc Nam, Tà Lùng, Trà Lĩnh; đồng thời tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch mới kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu.

Tin cùng chuyên mục