Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, khởi công năm 2016. Ảnh: Nhã Chi |
UBND TP.HCM cho biết, Dự án được triển khai thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT ký với Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam vào cuối năm 2015. Doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547. Dự án được khởi công giữa năm 2016 và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, đến nay, sau nhiều lần gia hạn, Dự án vẫn chưa có mốc thời hạn hoàn thành.
Tháng 10/2023, UBND TP.HCM có văn bản gửi Cục Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng xin ý kiến về định mức dự toán, giá ca máy và thiết bị thi công các hạng mục của Dự án do Điều 20 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định: “Định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương là định mức cho các công tác chưa được quy định trong hệ thống định mức xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành và chỉ xuất hiện trong các công trình xây dựng thuộc chuyên ngành quản lý hoặc tại địa phương” và “Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng, ban hành định mức xây dựng chung trong phạm vi cả nước…, UBND cấp tỉnh tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của địa phương”.
Theo kết quả khảo sát, kiểm chứng trong quá trình thi công, các công trình của Dự án có 7 định mức dự toán đặc thù, chưa có quy định hướng dẫn, gồm: khoan hạ cọc bê tông ly tâm D500 trên cạn bằng tổ hợp máy khoan, cần cẩu, sà lan; thi công rọ đá, thảm đá dưới nước bằng thiết bị thả thảm đá; thi công rọ đá, thảm đá dưới nước bằng cần cẩu; tổ hợp cửa van ngăn triều - van phẳng; lắp đặt cửa van cổng ngăn triều - van phẳng; lắp đặt gioăng đáy cửa van cổng ngăn triều - van phẳng; tổ hợp, lắp đặt cửa van cổng ngăn triều - van cung.
Ngày 1/7/2024, Bộ Xây dựng có văn bản cho ý kiến về nội dung này. Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, căn cứ pháp luật áp dụng cho Dự án theo từng giai đoạn, tổ chức thực hiện xác định định mức, đơn giá xây dựng phục vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Dự án. Trên cơ sở rà soát phương pháp xác định, số liệu Nhà đầu tư khảo sát để tính toán định mức, UBND TP.HCM xem xét, quyết định việc áp dụng định mức cho các công trình thuộc Dự án theo đúng thẩm quyền.
Về đơn giá ca máy và thiết bị thi công, UBND TP.HCM tổ chức khảo sát, xác định giá ca máy và thiết bị thi công trong trường hợp giá ca máy và thiết bị thi công chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hoặc đã có nhưng chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng và điều kiện thi công của công trình. Việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng Dự án cần thực hiện trên cơ sở các quy định của hợp đồng đã ký kết.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia đầu tư cho biết, việc chưa xác định được đơn giá, định mức dự toán, giá ca máy và thiết bị thi công đặc thù là một trong những nguyên nhân khiến Dự án bị “tắc” giải ngân và kéo dài thời gian thực hiện. Bộ Xây dựng đã có văn bản cho ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, văn bản vẫn chỉ mang tính hướng dẫn thực hiện, còn việc áp dụng như thế nào, áp dụng ra sao còn cần một quá trình chờ UBND TP.HCM xem xét, giải quyết. Đây là vấn đề chung của những dự án có định mức dự toán đặc thù.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết, Nhà đầu tư mong muốn các cơ quan chức năng, UBND TP.HCM sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để Dự án nhanh chóng tái khởi động và hoàn thành toàn bộ. Dự án có 6 cống kiểm soát triều lớn, hiện đã hoàn thành phần lớn khối lượng thực hiện (gồm: cống Bến Nghé đạt 97%, cống Tân Thuận đạt 93%, cống Phú Xuân đạt 90%, cống Mương Chuối đạt 93%, cống Cây Khô đạt 86%, cống Phú Định Đạt 88%, phần đê kè đạt 85% (dài 7,8 km bao các đoạn xung yếu ven sông Sài Gòn), cầu Kinh bà Bướm đạt 92%, Nhà quản lý Trung tâm đạt 85% và đã hoàn thành hệ thống SCADA). Việc chậm tiến độ hoàn thành nhiều năm khiến Dự án đội vốn, Nhà đầu tư gặp khó khăn vì chậm được thanh quyết toán.