Nghị quyết tới đây của Chính phủ sẽ xử lý vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Dự thảo Nghị quyết tập trung xử lý vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền quyết định đầu tư, trình tự, thủ tục, phân định trách nhiệm giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN (Ủy ban) và các bộ, ngành đối với dự án đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án, hoàn thiện cơ chế chuyển giao quyền sở hữu đối với DN và giao kế hoạch đầu tư công.
Về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt và quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh, theo Dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) theo hướng quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giao UBND của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong thời gian Luật Đầu tư (sửa đổi) chưa được Quốc hội thông qua, việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt và quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư kinh doanh (trừ dự án quan trọng quốc gia) của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện theo quyền, trình tự, thủ tục theo hướng dẫn. Chẳng hạn, ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, với dự án thuộc nhóm A, DN lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng làm cơ sở để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan. Trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, DN báo cáo Ủy ban theo các quy định và quy chế về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Ở bước trình cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định chủ trương đầu tư, DN nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư để tổ chức thẩm định, trình cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo các quy định của Luật Đầu tư. Dự thảo nêu rõ, đối với dự án đầu tư xây dựng thuộc nhóm A, DN nộp hồ sơ dự án theo quy định của Luật Đầu tư để thực hiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư sau khi hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng.
Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh, thực hiện trên địa bàn nhiều địa phương, cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư đặt trụ sở hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành chủ trì tổ chức thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của UBND cấp tỉnh nơi dự kiến thực hiện dự án. Trường hợp trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành của nhà đầu tư không đặt tại các địa phương dự kiến thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND cấp tỉnh của một trong các địa phương nơi thực hiện dự án quyết định chủ trương đầu tư theo thẩm quyền quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư trên cơ sở đề xuất của Ủy ban…
Gỡ vướng mắc liên quan đến xác định cơ quan chủ quản, thẩm quyền quyết định đầu tư và phân định trách nhiệm giữa Ủy ban và các bộ, ngành đối với dự án đầu tư, Dự thảo Nghị quyết phân rõ nguồn vốn để xác định. Với dự án sử dụng vốn đầu tư công, các bộ là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư với dự án hình thành tài sản công, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và các dự án sắp hoàn thành đang trong quá trình thanh toán, quyết toán, kiểm toán, nhưng chưa tính thành phần vốn nhà nước trong DN. Ủy ban không thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của bộ quản lý đối với dự án này.
Với dự án đầu tư kinh doanh sử dụng vốn đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu theo các nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý DN và nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP.