Hiện nay, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất là của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Lê Tiên |
Theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư 2020, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KCX là của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này đã được thực hiện xuyên suốt từ năm 2005 đến nay thông qua các quy định tại Luật Đầu tư 2005, Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020.
Bộ KH&ĐT đánh giá, mặt được của việc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án trên là thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả trong bối cảnh quy hoạch phát triển các KCN, KCX chưa được xây dựng đồng bộ, năng lực quản lý của các địa phương còn hạn chế; góp phần quản lý chặt chẽ việc đầu tư xây dựng và chuyển nhượng dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KCN, KCX, tránh phát triển tràn lan KCN, KCX ở các địa phương, gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm. Xuất phát từ thực tế triển khai cũng như chủ trương hoàn thiện, cải cách thể chế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ KH&ĐT đề xuất xem xét phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư hạ tầng KCN, KCX, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đầu tư.
Tổng hợp ý kiến của các địa phương cho thấy, theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và khu kinh tế, nội dung thẩm định dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN bao gồm đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; nhu cầu sử dụng đất; sơ bộ về hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, khả năng đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, điều kiện về tỷ lệ lấp đầy... Hầu hết các nội dung thẩm định này đều thuộc thẩm quyền xem xét của UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, đất đai, lâm nghiệp và pháp luật có liên quan. Trên thực tế, khi ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các KCN, Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu UBND cấp tỉnh xem xét các nội dung trên và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc giám sát, quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch quy định việc tích hợp định hướng xây dựng KCN vào quy hoạch vùng và phương án phát triển hệ thống KCN vào quy hoạch tỉnh. Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và Dự thảo Nghị định sửa đổi nghị định này đã được xây dựng và hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể, minh bạch các tiêu chí, điều kiện thành lập, mở rộng KCN. Như vậy, với các quy định hiện hành và định hướng sửa đổi Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư hạ tầng KCN, KCX là phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước cho địa phương. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất bổ sung Điểm đ vào Khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư 2020: UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, KCX; đồng thời bãi bỏ Điểm h Khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư 2020 (phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho Thủ tướng Chính phủ).
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, việc sửa đổi quy định này sẽ tác động trực tiếp đến phạm vi các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Khoản 2 Điều 62 Luật Đất đai (việc thu hồi đất để thực hiện dự án chỉ được thực hiện đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư). Các dự án do UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư không thuộc phạm vi Nhà nước thu hồi đất nên sẽ khó khăn, ách tắc trong quá trình triển khai. Để đảm bảo đồng bộ và tránh phát sinh vướng mắc trong trường hợp phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng KCN, KCX, Bộ KH&ĐT đề nghị sửa đổi quy định về thu hồi đất tại Điều 62 Luật Đất đai theo hướng bổ sung vào Điểm d Khoản 3 quy định về việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đối với trường hợp dự án xây dựng KCN, KCX.